Với giải pháp về định mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới, Bộ GTVT đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% phương tiện đảm bảo định mức cho xe máy là 2,3 lít/100km; ô tô con dung tích động cơ dưới 1.400cc đảm bảo 4,7 lít/100km; 1.400 - 2000cc đảm bảo 5,3 lít/100km; trên 2.000cc đảm bảo 6,4 lít/100km. Tỷ lệ này lần lượt đạt 30% vào năm 2027, 50% vào năm 2028, 75% vào năm 2029.
Với giải pháp chuyển đổi phương thức vận tải hành khách từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, Bộ GTVT đặt mục tiêu tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội là 45%-50%, TPHCM 25%, Đà Nẵng đạt 25%-35%, Cần Thơ 20%, Hải Phòng 10%-15%, đô thị loại 1 đạt ít nhất 5%.
Đồng thời, Bộ GTVT khuyến khích chuyển đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang các phương thức vận tải thân thiện môi trường như đường sắt, đường thủy nội địa và đường ven biển; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, đường thủy và xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển.
Riêng với đường bộ, lĩnh vực chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất trong ngành giao thông, Bộ GTVT sẽ triển khai biện pháp phát triển phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường như sử dụng xe buýt CNG. Theo kế hoạch, đến năm 2030, tổng số xe buýt CNG là 623 xe, gồm 423 xe tại TPHCM và 200 xe tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học, mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vào năm 2030.
Về sử dụng xe máy điện và ô tô điện, số ô tô điện đạt tỷ lệ sử dụng 30%; xe máy điện đạt tỷ lệ sử dụng 22% tổ; xe buýt điện đạt tỷ lệ sử dụng 30% vào năm 2030.
Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu, giai đoạn 2024-2030 sẽ phát triển, hoàn thiện hệ thống logistics, kho bãi phục vụ vận tải hàng hóa để tăng tỷ lệ chuyến đi có hàng của xe tải và tăng tỷ lệ xếp hàng lên xe tới 60%.