Hiện Sở GTVT Hà Nội đang nỗ lực nghiên cứu chuyển đổi phương tiện. Dự kiến, giai đoạn 1 từ năm 2025-2030, Hà Nội sẽ có tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 7,73%/năm, số lượng xe được chuyển đổi trung bình từ 157 xe/năm. Giai đoạn 2, từ năm 2031-2035, Hà Nội có tỷ lệ chuyển đổi trung bình đạt 8,0%/ năm, số lượng xe được chuyển đổi là 162 xe/năm.
Các tuyến buýt sẽ được Hà Nội chuyển đổi trước là các tuyến buýt được mở mới, các tuyến hoạt động ở khu vực trung tâm, khu vực nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn như nhà ga, bến xe, sân bay...
Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, các doanh nghiệp vẫn cần có thêm thời gian để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc xây dựng lộ trình chuyển đổi để “xanh hóa” phương tiện cần thực hiện từng bước, hài hòa, phù hợp với đặc thù kinh doanh vận tải và tránh gây xáo trộn, lãng phí.
Hiện chi phí đầu tư xe buýt điện có giá thành rất cao, xấp xỉ khoảng 7 tỷ đồng/phương tiện, gây áp lực lớn lên chi phí đầu tư, chi phí lãi vay và chi phí trợ giá...
Các cơ quan quản lý cũng chưa có đơn giá định mức cho loại hình phương tiện này, chưa có các chính sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư buýt điện, mới chỉ có một doanh nghiệp đầu tư xe buýt điện hoạt động tại Hà Nội, TPHCM và Phú Quốc.
Với phương tiện buýt CNG (chạy bằng khí nén), hiện đã có bộ định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá tuy nhiên mới ở mức đảm bảo tối thiểu cho quá trình hoạt động. Chính sách hỗ trợ 50% lãi vay vốn ngân hàng để đầu tư mua sắm phương tiện còn một số vướng mắc trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư phương tiện theo hướng dẫn của Bộ tài chính.
Bên cạnh đó, quỹ đất để xây dựng bãi đỗ, depot, trạm nạp khí và nguồn cung khí CNG còn khó khăn. Chính vì vậy, buýt CNG cũng mới chỉ hoạt động tại Hà Nội, TPHCM và Bình Dương.