Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích danh thắng. Trong đó có nhiều di tích có giá trị như Hoàng Thành - Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền thờ nguyên phi Ỷ Lan, Thành cổ Sơn Tây, Di tích Đền Gióng…
Hà Nội cũng là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước với 2.874 cơ sở giáo dục và gần 2,3 triệu học sinh. Những năm qua, nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá cho học sinh được ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị quan tâm.
Thực hiện chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy Hà Nội về “phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, giai đoạn 2021-2025”, nâng cao hiệu quả giáo dục di sản cho học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội và các đơn vị, địa phương thống nhất ký kết thỏa thuận hợp tác giáo dục di sản cho học sinh.
Hà Nội đẩy mạnh giáo dục di sản cho học sinh |
Nội dung thỏa thuận hợp tác giữa các bên nhằm cung cấp cho học sinh những kiến thức lịch sử của Thăng Long - Hà Nội gắn với các hoạt động trải nghiệm thực tế tại các di tích, từng bước đưa di sản tiếp cận trường học; qua đó, góp phần tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản.
Các đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương tại các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; khuyến khích các hoạt động trải nghiệm thực tế để học sinh được tiếp cận trực tiếp với di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, tham gia vào các hoạt động lễ hội hoặc một số công đoạn sản xuất sản phẩm truyền thống.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích lịch sử, tổ chức thi đố vui để học, thi vẽ tranh, thi hùng biện về văn hóa, di sản của địa phương tại các khu di tích. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành, tham quan thực tế... nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, nâng cao hiểu biết về thời sự, văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội cho học sinh. Tận dụng, huy động các nguồn lực để tổ chức hoạt động giáo dục di sản văn hóa, di tích lịch sử của địa phương đảm bảo tốt nhất lợi ích của học sinh, phù hợp với chương trình giáo dục 2018, đảm bảo đúng các quy định hiện hành.
Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị quản lý di tích, Sở Văn hóa và Thể thao, các quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà trường đưa học sinh đến học tập, tìm hiểu về lịch sử truyền thống dân tộc. Sở cũng đề nghị các phòng GD-ĐT, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại các di tích, khuyến khích học sinh viết bài thu hoạch về nội dung này.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và UBND các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn tham quan tại các khu di tích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Khi đến tham quan, học tập tại di tích, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được hỗ trợ giá vé và kinh phí tổ chức các hoạt động theo quy định.
Sở GD-ĐT Hà Nội chỉ đạo các nhà trường tuyên truyền, giới thiệu các chương trình tham quan, học tập ngoại khóa, tìm hiểu lịch sử và hoạt động trải nghiệm tại các di tích do các đơn vị phối hợp trên quản lý, giới thiệu. Đồng thời, khuyến khích nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham quan trải nghiệm, học tập tại các di tích vào khoảng thời gian thích hợp trong năm học.
Ngành giáo dục Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 100% các trường trên địa bàn thành phố tổ chức giáo dục di sản văn hóa tại khu di tích lịch sử, di sản văn hóa địa phương ít nhất một lần trong năm học.