Chủ trì và phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, việc nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính của Hà Nội luôn được thành phố xác định là mục tiêu, yêu cầu trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.
TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và quán triệt sâu rộng tới các cấp, ngành, từng cán bộ, công chức, viên chức về kỷ luật kỷ cương hành chính gắn với cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, phấn đấu nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của chính quyền các cấp. Nền hành chính Thủ đô ngày càng hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hội nhập và phục vụ, hướng tới xây dựng “Chính phủ số”, "Thành phố thông minh".
Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung mà sự hài lòng, mong muốn của người dân cần được các cấp, ngành của thành phố tập trung quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn, và có những giải pháp hiệu quả cùng lộ trình triển khai cụ thể, nhất là trong những lĩnh vực thiết yếu ảnh hưởng tới đời sống an sinh xã hội.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, cần đảm bảo sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân vào hoạt động quản lý của các cấp chính quyền; tập trung rà soát, đưa một số nội dung chính sách thiết yếu, đặc thù vào dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi; phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, kênh phản ánh, kiến nghị để nâng cao sự hài lòng của người dân.
“Việc quan trọng nhất đối với thành phố để nâng cao sự hài lòng của người dân hiện nay là phải đẩy mạnh xây dựng chính quyền số hơn nữa và chú trọng hơn tới yếu tố con người”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh, đồng thời chỉ rõ cán bộ công chức TP Hà Nội cần hiểu rõ sứ mệnh của mình để thực hiện tốt 3 nguyên tắc là tự tôn pháp luật, luôn lắng nghe và có thái độ cầu thị, phục vụ tốt.
Trong khi đó, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công của UNDP Việt Nam nêu, chỉ số tổng hợp PAPI năm 2022 của Hà Nội đạt 43,9 điểm, thuộc nhóm đạt điểm “cao”, nhưng các chỉ số về “Thủ tục hành chính công”, “Quản trị điện tử”, “Cung ứng dịch vụ công”, “Quản trị môi trường” còn thuộc nhóm “trung bình” và “thấp”.
Từ những kết quả trên, bà Đỗ Thanh Huyền cho rằng, TP Hà Nội cần xác định những điểm còn yếu kém, sụt giảm đáng kể qua 2 năm 2021-2022, để lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên tập trung những giải pháp quyết liệt, nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống tham nhũng trong khu vực công, TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị cần tạo các kênh tương tác hữu hiệu giữa chính quyền và người dân, để không chỉ chia sẻ thông tin mà còn giải thích cụ thể những vướng mắc tồn tại.