Hà Nội thiệt hại do bão số 3 tiếp tục tăng, nhiều hồ vượt ngưỡng tràn

Sáng 9-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đã có báo cáo về tình hình thiệt hại do bão số 3 gây ra tính đến hết ngày 8-9.

Theo đó, tích lũy từ ngày 6 tới hết ngày 8-9, trên địa bàn Hà Nội đã có 3 người chết và 17 người bị thương. Trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong bão số 3; số người chết và bị thương còn lại xảy ra do dông lốc, gió giật mạnh, cây đổ vào chiều 6-9.

Về tình hình cây đổ, cành gãy, trên địa bàn Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây (tăng hơn 10.000 cây so với báo cáo trước đó), tập trung nhiều các quận huyện: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm,… Cây đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông hư, cơ sở hạ tầng bị hư hại.

z5808394329582_437f009261f2f1761ab9308736939539.jpg
Hà Nội thiệt hại do bão số 3 tiếp tục tăng cao

Tình hình ngập úng, tới tối 8-9, ở khu vực nội thành, không còn tình trạng úng ngập tại các lưu vực trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, tại ngoại thành, mưa lớn làm cho 593,6ha diện tích lúa, 231,8ha rau màu bị ngập; 14.969,7ha lúa và 973,4ha rau màu bị đổ; 126,3ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.

z5808394332211_c8b43a294c8bcee3699a54ed88e43478.jpg
Số lượng cây xanh ở Hà Nội bị đổ sau bão số 3 tới hơn 25.000 cây

Mưa bão, giông lốc cũng đã làm ảnh hưởng nhiều tới lưới điện của thành phố, gây mất điện diện rộng. Trong đó lưới điện 110kV có 12 tuyến đường dây bị nhảy sự cố; lưới điện trung áp có 23 đường dây; 5 trạm bị sự cố đã được cấp điện lại ngay. Khu vực ngoại thành với 248 đường dây trung áp và 4 trạm biến áp bị sự cố; 38 cột gãy đổ gây mất điện diện rộng tập trung ở các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì.

IMG_2762.jpeg
Sáng sớm 9-9, 1 cây sanh cổ thụ đổ trùm lên hơn nửa đường Ngô Quyền (Hà Nội) vẫn chưa kịp cưa cắt, dọn dẹp. Ảnh: VĂN PHÚC

Sáng 9-9, ghi nhận tại nhiều tuyến đường ở nội thành Hà Nội vẫn ngổn ngang thân cây xanh đổ, gãy do bão số 3.

Trước đó, vào ngày 8-9, sau khi bão qua, lực lượng chức năng ở Hà Nội đã khẩn trương, tích cực tiến hành dọn dẹp, cưa cắt và di chuyển để giải phóng hiện trường, tháo gỡ ách tắc cho xe cộ và các phương tiện đi lại.

IMG_2760.jpeg
1 cây xanh đổ ngay trước sảnh Trạm xe buýt Kim Mã (Hà Nội) sáng 9-9 chưa dọn kịp. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_2764.jpeg
Gốc cây đổ trước trụ sở Bộ VH-TT-DL tại Hà Nội, sáng 9-9
IMG_2766.jpeg
Nhiều khúc cây đã cưa cắt nhưng chưa dọn kịp trên vỉa hè phố Hàm Long, gần cổng Trường THCS Ngô Sỹ Liên. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_2767.jpeg
Vỉa hè phủ kín cây lá gãy rụng chắn lối của người đi bộ. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_2768.jpeg
Cây xà cừ già đổ trên phố Lê Văn Hưu (TP Hà Nội), sáng 9-9. Ảnh: VĂN PHÚC
IMG_2769.jpeg
Dự kiến sau nhiều ngày, Hà Nội mới dọn dẹp hết số cây gốc lớn

Tuy nhiên, khối lượng công việc vẫn còn khá lớn. Trên một số tuyến đường, phố, lực lượng chức năng mới kịp giải phóng, dọn dẹp cành cây rơi gãy, đổ ở lòng đường để chuyển tạm lên vỉa hè. Còn lại, những thân cây, gốc cây lớn mới chỉ cưa, cắt tạm để chờ tiếp tục xử lý.

Sáng 9-9, đường sá ở Hà Nội tắc nghẽn một phần do ảnh hưởng của cây đổ.

Chiều qua 8-9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký công văn chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy, đổ sau cơn bão số 3 trên địa bàn Hà Nội.

UBND TP Hà Nội yêu cầu tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị để triển khai giải tỏa cây đổ, cành gãy để bảo đảm an toàn giao thông, trước mắt phải thực hiện ngay trên các tuyến đường, tuyến phố chính trên địa bàn thành phố xong trước ngày 12-9. Sau đó sẽ triển khai tiếp tục công tác xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi gỗ, củi theo quy định.

IMG_2765.jpeg
Theo yêu cầu của TP Hà Nội, trước ngày 12-9 cơ bản dọn dẹp xong cây đổ. Ảnh: VĂN PHÚC

Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước ngày 15-9.

IMG_2761.jpeg
Thiệt hại của Hà Nội về cây xanh là rất lớn. Ảnh: VĂN PHÚC

Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ, cần thực hiện cắt cảnh, tán, bảo đảm cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Đối với những cây xanh đổ ra lòng đường, sau khi cắt tỉa, cần di chuyển lên hè phố, các dải phân cách để bảo đảm an toàn giao thông nếu chưa kịp trồng lại, hoàn thành việc trồng lại các cây xanh nêu trên trước ngày 20-9.

Việc thu hồi gỗ, củi đối với những cây gãy, đổ về địa điểm tập kết xong trước ngày 20-9 và thực hiện thủ tục thanh lý theo đúng quy định.

Mưa bão cũng gây ra sạt lở, ngập lụt, như tại huyện Thạch Thất sạt lở 150m3 đất tại xã Yên Bình và Thạch Xá; huyện Chương Mỹ sạt lở 5m đê Bùi II, ngập 300m đường giao thông nội đồng, 2.740m đường giao thông nông thôn, 33 hộ, 5 xóm, 1 nhà văn hóa, 2 di tích bị ngập, 1.400m2 chuồng trại bị sập, đổ, 10.388 mái tôn bị tốc, hỏng, 115 cột điện bị gãy đổ; huyện Quốc Oai sạt lở 6m tại điểm canh đê, 2 cột điện bị đổ, 10 mái tôn bị tốc mái, 20m đường giao thông bị sạt lở; huyện Ba Vì sạt lở 10m mái đê hữu hồng, sụt lún cơ kè tại đê hữu hồng tại xã Cổ Đô, đổ gãy 13 cột điện, 8 thuyền đánh cá bị chìm ở xã Cổ Đô và Chu Minh.

z5806637295885_99c52f6c05e59d9da7ca40fd5210b77d.jpg

Cùng với thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra thì hiện nay, sau bão, một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ nên đã khiến mực nước trên sông Tích tại Kim Quan đạt báo động III, sông Bùi tại Yên Duyệt đạt báo động II. Đặc biệt, mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Hà Nội đang rất cao, như: Đồng Mô mở 4 cửa xả lũ; Suối Hai, Tân Xã, Xuân Khanh, Đồng Quan, Đền Sóc… đều bị vượt ngưỡng tràn cấp 3; Đồng Đò phải xả tràn 0,1m.

Tin cùng chuyên mục