Theo đó, đối với tài khoản định danh mức 1 thực hiện trực tiếp đăng ký thông qua ứng dụng VNeID di động; đối với tài khoản định danh mức 2, công dân đến cơ quan công an cấp huyện, cấp xã (không phụ thuộc vào nơi đăng ký thường trú) và làm thủ tục đăng ký.
Theo quy định, khi kích hoạt thành công và đăng nhập sử dụng ứng dụng VNeID mới được tính là cấp tài khoản định danh điện tử thành công.
Các sở, ban, ngành và các cơ quan tổ chức đảng chủ động rà soát, lập danh sách cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị chưa cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 gửi về công an thành phố.
Để tăng tỷ lệ giải quyết dịch vụ công trực tuyến và nhiệm vụ của Đề án 06, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị hoàn thành 100% thủ tục cấp CCCD gắn chip và đăng ký, kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID trong tháng 5-2023.
Theo số liệu mới nhất, tính đến 8-5, Hà Nội đã thu nhận hơn 4,2 triệu tài khoản định danh điện tử và hơn 1,4 triệu tài khoản định danh điện tử kích hoạt thành công, đạt tỷ lệ 33,7%.
Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.
Bên cạnh đó, công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp, hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...
Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền...
Tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu; nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo giúp các giao dịch được an toàn.