Hà Nội tạo nguồn vốn vay lành mạnh và mục tiêu không còn hộ nghèo năm 2025

Nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua ngân hàng chính sách thành phố thời gian qua đã giúp TP Hà Nội giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân, tiến tới chấm dứt cho vay nặng lãi và tín dụng đen. Qua đó, góp phần đưa số hộ nghèo ở Hà Nội năm 2023 chỉ còn 0,23%, tiến tới năm 2025 không còn hộ nghèo.

Mở rộng đối tượng được vay vốn

Theo đại diện Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, hiện nay, các đơn vị chức năng của Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội của TP Hà Nội. Trong đó, nghị quyết này sẽ quy định một số đối tượng đặc thù được thụ hưởng chính sách tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) trên địa bàn Hà Nội thông qua các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai theo nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

ho-ngheo-64 (1).jpg
TP Hà Nội tạo nguồn vốn đầy đủ để cho các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo

Đặc biệt, Nghị quyết quy định bổ sung đối tượng vay vốn đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH trên địa bàn Hà Nội đối với một số chương trình tín dụng đang triển khai tại Ngân hàng CSXH cụ thể:

Thứ nhất, chương trình cho vay học sinh, sinh viên: Hộ gia đình có từ 2 con trở lên đang học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; hộ gia đình có vợ, chồng là người dân tộc thiểu số, người mù, người khuyết tật, hoặc có vợ, chồng đã chết; hộ gia đình có thành viên là người có công theo quy định pháp luật về người có công.

Thứ hai, chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường: Hộ gia đình cư trú tại thị trấn thuộc huyện và phường thuộc quận, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng cần xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Thứ ba, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Người lao động có việc làm đang đóng BHXH bắt buộc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc trên địa bàn TP Hà Nội được Cục thống kê TP Hà Nội công bố theo từng năm.

Nguồn kinh phí dự kiến bố trí để đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng đặc thù nói trên trong năm 2025 là khoảng 700 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là khoảng 3.900 tỷ đồng.

Đảm bảo công khai, công bằng và minh bạch

Đóng góp ý kiến phản biện với dự thảo nghị quyết trên, TS Nguyễn Đình Dương, nguyên Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội cho rằng, nên làm rõ thêm tiêu chí hoặc tiêu chuẩn của đối tượng cho vay là hộ gia đình và người lao động ở Hà Nội. Riêng Tờ trình của UBND TP Hà Nội về nghị quyết, nên bổ sung báo cáo sơ kết hoặc thông tin kết quả và hạn chế trong quá trình thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng CSXH trong 2-3 năm gần đây để tìm ra hướng đi đúng.

2B1A0375.JPG (1).jpg
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách

Trong khi đó, TS Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế, cho rằng, để tránh tiêu cực, lợi dụng chính sách cho vay ưu đãi đặc thù để trục lợi trong quá trình xét đối tượng được vay, quản lý, xét duyệt mức vay, cần có quy định cụ thể, chi tiết của cơ quan quản lý và Ngân hàng CSXH của TP Hà Nội, đơn vị cho vay. Từ đó, đề nghị cơ quan dự thảo nghị quyết phân tích, tính toán thêm tổng số nhu cầu vốn vay của từng nhóm đối tượng vay và tổng số vốn dự kiến cho năm 2025 và các năm từ 2026-2030.

Làm rõ thêm một số nội dung của nghị quyết, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua ngân hàng CSXH đã giúp thành phố giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm cho người dân và tiến tới chấm dứt cho vay nặng lãi và tín dụng đen. Qua đó, góp phần đưa hộ nghèo ở Hà Nội năm 2023 còn 0,23%, tiến tới năm 2025 không còn hộ nghèo.

NHCS 3.jpg

Hà Nội cũng đã kiến nghị với Trung ương tiếp tục nâng cao nguồn lực, đảm bảo nhu cầu tín dụng chính sách cho người dân, trong đó, mở rộng đối tượng và mức cho vay; đảm bảo quan điểm tiến bộ, công bằng, bền vững, công khai, minh bạch với phương châm thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ và hiệu quả thực chất.

“Sự quyết tâm của các cấp, ngành trong thực hiện nghị quyết trên đóng vai trò quan trọng để nghị quyết đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, TP Hà Nội sẽ phân công rõ trách nhiệm từng sở, ngành; đưa chuyển đổi số vào công tác cho vay vốn, đặc biệt là công khai minh bạch, đẩy mạnh giám sát để tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, việc dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH của TP Hà Nội sớm được hoàn thiện và ban hành sẽ mang lại tính ưu việt, hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện tài chính hiện nay của Hà Nội. Nghị quyết sẽ góp phần tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chênh lệch giàu nghèo.

Tin cùng chuyên mục