Cụ thể, TP Hà Nội tặng quà mức 2 triệu đồng/suất (bằng tiền mặt) gửi tới các đối tượng: người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 (lão thành cách mạng); người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 (tiền khởi nghĩa); người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.
Mức quà 2 triệu đồng này cũng dành tặng cho gia đình người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công”, hoặc “Bằng có công với nước”. Trường hợp người đứng tên trong Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc “Bằng có công với nước” đã mất, thì đại diện vợ, chồng, con được tặng quà.
Thành phố cũng ủy quyền lãnh đạo một số quận, huyện tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đơn vị, tập thể tiêu biểu được Nhà nước tặng danh hiệu “Bằng có công với nước”, hoặc “Kỷ niệm chương có công giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến” với mức quà tặng là 16 triệu đồng/đơn vị.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị có trách nhiệm sử dụng kinh phí theo đúng quy định, chi trả đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách và thanh quyết toán kinh phí thực hiện đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách nêu trên, UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ vào các nguồn quyên tặng, nguồn được phép huy động khác, để quyết định các mức tặng quà đối với người có công nhân dịp kỷ niệm này.
UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với họ. Các địa phương trên địa bàn cần tổ chức thực hiện thăm hỏi, tặng quà đảm bảo đúng chính sách, đúng đối tượng, công khai, dân chủ; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, trục lợi chính sách, chi trả tặng quà không đầy đủ theo quy định.