Theo đó, các lô đất được đưa ra đấu giá có diện tích 90 - 220,6 m2/lô, với giá khởi điểm hơn 9,1 triệu đồng/m2; hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp đối với từng lô đất theo phương thức trả giá lên với bước giá 100.000 đồng/m2; tiền đặt cọc từ 164 - 401 triệu đồng tùy từng lô đất.

Đáng chú ý, trước đó vào ngày 29-11-2024, huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 lô đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Phiên đấu giá gây xôn xao dư luận khi có 3 lô đất được trả giá tới hơn 30 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên kết thúc phiên đấu giá, chỉ 22/58 lô đất được đấu giá thành công, với giá trúng thấp nhất là 32,4 triệu đồng/m2 và cao nhất 50,4 triệu đồng/m2. 36 lô đất đấu giá không thành do tất cả các khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng).

Sau cuộc đấu giá này, Công an TP Hà Nội đã điều tra làm rõ và ra quyết định tạm giữ 5 đối tượng về hành vi "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản". Các đối tượng khai nhận, trước khi đấu giá, các đối tượng đã xác định mức giá chỉ khoảng 30 triệu đồng/m2 sẽ có thể bán chênh được nên để khống chế kết quả đấu giá, nhóm đối tượng đã thỏa thuận với nhau về mức giá qua 6 vòng đấu bắt buộc. Cụ thể, nếu đến vòng 4, mức giá được các nhà đầu tư trả cao hơn 30 triệu đồng thì vào vòng 5 sẽ đưa ra một mức cao đột biến để thắng áp đảo. Rồi đến vòng 6 sẽ cùng thống nhất bỏ không tiếp tục tham gia nữa, mục đích là phá không cho lô đất được trúng đấu giá thành công.