Theo đó, UBND TP Hà Nội quy định, diện tích đất ở tối thiểu được phép tách thửa tại Hà Nội là 50m2 (tăng thêm 20m2 so với quy định trước đó). Cùng với đó, việc tách thửa đối với thửa đất phải đảm bảo theo các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại điều 220 Luật Đất đai và các điều kiện như: đối với các phường và thị trấn chiều dài so với chỉ giới đường đỏ từ 4m trở lên, chiều rộng cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng hiện có hoặc lối đi được hình thành khi tách thửa từ 4m trở lên, phần diện tích đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2. Tại các xã vùng đồng bằng, diện tích đất ở sau tách phải không nhỏ hơn 80m2, ở vùng trung du là 100m2, vùng miền núi là 150m2.
Đất phi nông nghiệp không thuộc nhóm thương mại, dịch vụ cần diện tích tối thiểu 1.000m2 tại phường, thị trấn và 2.000m2 tại các xã. Riêng đất nông nghiệp, thửa đất trồng cây hằng năm tại phường, thị trấn cần diện tích tối thiểu 300m2, cây lâu năm 500m2 và rừng sản xuất 5.000m2. Tại các xã, diện tích tương ứng là 500m2, 1.000m2 và 5.000m2. Quy định này giúp bảo đảm quy mô canh tác hợp lý, tránh việc chia nhỏ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, liên quan tới nhiều cuộc đấu giá đất ở ngoại thành Hà Nội mới đây có giá cao bất thường, lãnh đạo Sở TN-MT Hà Nội cho biết, qua rà soát, Sở TN-MT Hà Nội nhận thấy có tình trạng người tham gia đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh "đầu cơ". Đồng thời, cũng có tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá, bỏ tiền đặt cọc, nhằm mục đích "làm giá", "thổi giá" gây nhiễu loạn giá thị trường bất động sản và hiện vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Đối với việc đấu giá đất để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, còn tồn tại nhiều trường hợp trúng đấu giá đất nhưng không thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở theo quy hoạch, bỏ đất hoang, gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn lực đất đai.