Theo đó, các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương tập trung phát triển mới 30-40 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP Hà Nội; mỗi quận, huyện, thị xã có từ 2 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trở lên đi vào hoạt động trong năm 2021.
Với các điểm bán đã khai trương trong năm 2020, UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra, giám sát việc vận hành; tổ chức hội nghị liên kết thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; kết nối các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng phát triển hệ thống các điểm quảng bá, bán sản phẩm thông qua chương trình người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, phát triển kênh phân phối ở nước ngoài, theo các hình thức tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, kết thúc năm 2020, Hà Nội có 1.054 sản phẩm tham gia OCOP được đánh giá, phân hạng, vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu Hà Nội đề ra đến năm 2020 có từ 700-1.000 sản phẩm OCOP). Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đa dạng về chủng loại, mang nét đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định. Đặc biệt, các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn cũng như được hưởng lợi từ sản phẩm OCOP, góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội.
Với con số trên, Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Kế đến là Quảng Ninh với 456 sản phẩm OCOP, trong đó 236 sản phẩm đạt từ 3-5 sao. Đồng Tháp đứng thứ 3 với 161 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3-4 sao, trong đó có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao tỉnh đang lập hồ sơ trình đề nghị Trung ương xét đánh giá, phân hạng. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, kết quả này đạt và vượt 5 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.