Hà Nội nỗ lực chống dịch bệnh ngay sau lũ lụt

Cơn bão số 3 vừa đi qua, TP Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc lại gánh chịu đợt mưa lũ nghiêm trọng trên diện rộng gây ảnh hưởng nhiều tới hệ thống y tế. Vượt qua những khó khăn, thách thức sau bão lũ, các cơ sở y tế của Hà Nội nỗ lực không ngừng để khắc phục hậu quả bão số 3 và lũ lụt, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường để bảo vệ sức khỏe người dân.

Thiệt hại nặng nề

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, mức nước lũ trên sông Hồng, sông Đuống đã xuống dưới mức báo động 2 nhưng nước lũ trên các sông Tích, Bùi, Cà Lồ… vẫn ở mức cao, gây ngập lụt kéo dài ở nhiều xã của huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây và Sóc Sơn...

Tại vùng “rốn lũ” Chương Mỹ, các Trạm y tế xã: Mỹ Lương và Nam Phương Tiến A bị ngập trong nước. Kế bên là huyện Quốc Oai thì nhiều khu vực của các xã: Đông Yên, Hòa Thạch vẫn đang bị ngập lụt gây ảnh hưởng nhiều tới đời sống và sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 với cường độ rất mạnh và đợt mưa lũ ngay sau đó, Hà Nội có 27 quận/huyện, 184 xã/phường với 449 điểm ngập úng. Trước việc nhiều cơ sở y tế bị thiệt hại sau bão số 3 và ngập lụt do mưa lũ, ngành y tế Hà Nội đã chỉ các cơ sở y tế chủ động bố trí quân số ứng trực 100% để phòng chống thiên tai và tập trung công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân.

Các cơ sở y tế bị ngập được bố trí sang các địa điểm tạm thời để đảm bảo an toàn về nhân lực, tài sản, trang thiết bị, thuốc, tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức nhân dân địa phương.

3.jpg
Cán bộ y tế phun hóa chất khử trùng vệ sinh môi trường sau khi nước lũ rút ở Hà Nội

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Năm cho biết, đến ngày 18-9, toàn huyện còn 12 xã (43 điểm) bị ngập úng do nước dâng với khoảng 3.421 hộ bị nước tràn vào nhà; đã di dời 1.979 hộ dân vùng trũng, nhà bị ngập đến nơi an toàn.

Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức thường trực các đội cấp cứu cơ động 24/24 giờ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của trung tâm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phân công cán bộ y tế thường trực tại các điểm ngập úng, thực hiện khám cấp phát thuốc tại nhà cho những trường hợp mắc bệnh mạn tính, bệnh thông thường, hỗ trợ chuyển tuyến những trường hợp vượt quá khả năng; cấp phát Cloramin B cho các vùng bị ngập, hướng dẫn người dân thực hiện khử khuẩn nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Vệ sinh môi trường, phòng chống dịch

Mưa bão và ngập lụt kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người dân và làm gia tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đại diện CDC Hà Nội, qua giám sát cho thấy, tại một số huyện ven đô bị ngập lụt kéo dài đã có 500 người mắc bệnh về da, 42 ca mắc bệnh tiêu hóa, 117 trường hợp mắc bệnh về mắt.

Cùng với đó, dịch sốt xuất huyết bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hàng năm (từ tháng 9 đến tháng 11), với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Đồng thời, các dịch bệnh như: Tay chân miệng, sởi, ho gà… cũng đang ghi nhận số người mắc tăng cao.

2.jpg
Cán bộ y tế huyện Thạch Thất hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh môi trường sau bão lũ

Trước tình hình đó, với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường đến đó, ngành y tế Hà Nội đã chỉ đạo tập trung nguồn lực cho công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Các đơn vị đã chủ động cấp phát thuốc phòng bệnh gồm thuốc kháng sinh đường ruột, thuốc bôi ngoài da, men tiêu hóa, thuốc nhỏ mắt cho người dân tại các điểm ngập úng như: tại huyện Quốc Oai phát 21 loại thuốc, huyện Sóc Sơn phát 9 loại thuốc, huyện Chương Mỹ phát 13 loại thuốc.

Cùng với đó, các đơn vị y tế của Hà Nội đã thực hiện xử lý môi trường cho khoảng 25.000 hộ bị ngập lụt. Đồng thời cấp phát thuốc, hóa chất khử trùng cho các trung tâm y tế với 5.450kg Cloramin B, 620kg vôi bột, 30,4kg phèn chua phục vụ cho công tác xử lý nước, môi trường.

1.jpg
Cán bộ y tế và người dân dọn dẹp vệ sinh sau bão lũ phòng chống dịch

Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt. Phối hợp với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại khu vực có nguy cơ; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời ca bệnh, ổ dịch trong và sau ngập lụt như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn…

Đại diện CDC Hà Nội cũng cho biết, thời gian tới, lực lượng y tế sẽ tập trung công tác giám sát dịch tễ, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở những khu vực ngập lụt nặng và kéo dài nhiều ngày tại các huyện: Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai.

Tin cùng chuyên mục