Tại nhiều tuyến phố như Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Thái Học… toàn bộ vỉa hè bị đào xới để thay đá mới. Cùng với đó, hệ thống thoát nước 2 bên đường cũng được đào lên cải tạo, khiến cả tuyến phố trở thành công trường kéo dài nhiều ngày gây phiền toái cho người dân.
Tình trạng đào đường, thay đá vỉa hè thực hiện vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu đi lại, hoạt động giao thương gia tăng khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa kể, người dân cảm thấy bức xúc và khó lý giải khi vỉa hè tại nhiều tuyến phố còn tốt nhưng vẫn bị đào lên để thay đá mới.
Nhằm chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho vỉa hè hơn 900 tuyến phố trong nội thành, từ năm 2016, UBND TP Hà Nội đã thay thế các loại gạch lát vỉa hè truyền thống bằng đá tự nhiên được giới thiệu có kết cấu bền vững, độ bền 50-70 năm, hạn chế các hư hỏng trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên, thực tế vỉa hè tại không ít tuyến phố được lát đá tự nhiên đã sớm bị nứt vỡ sau 2-3 năm sử dụng.
Trước sự bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội cứ vào dịp cuối năm lại tái diễn tình trạng đào đường, thay đá, lát đá vỉa hè mới là vấn đề bất thường. “Đá vỉa hè nứt, vỡ ảnh hưởng việc đi lại của người dân nên phải thay lại là cần thiết, để bảo đảm cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, cơ quan chức năng phải tính toán cụ thể để bảo đảm chất lượng, độ bền cho đá lát vỉa hè, tránh lãng phí”, bà Nguyễn Thị Thành (36 phố Lạng Hạ) bày tỏ ý kiến.
Nhiều người khác lại cho rằng, việc chỉnh trang đô thị, thay đá vỉa hè hư hỏng, cải tạo hệ thống thoát nước là cần thiết nhưng không nên dồn vào làm dịp cuối năm để đỡ ảnh hưởng tới giao thông và người dân.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thẳng thắn cho rằng, việc TP Hà Nội năm nào cũng chi hàng trăm tỷ đồng ngân sách để cải tạo, nâng cấp, lát đá tự nhiên cho vỉa hè nhưng lại nhanh chóng xuống cấp có nguyên nhân do quy trình thi công chưa đảm bảo, chất lượng đá lát có vấn đề. Hơn nữa, vỉa hè tại nhiều tuyến phố bị ô tô, xe máy lưu thông khi tắc đường hoặc biến thành điểm đậu ô tô nên nhanh xuống cấp, hư hỏng. Để tình trạng này xảy ra, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương.
Ông Hoàng Ngọc Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, thừa nhận, hiện công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá lát vỉa hè tại một số dự án chưa đạt yêu cầu, công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa thường xuyên, liên tục, chưa kịp thời giải quyết, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công. Theo quy định, thành phố giao cho ban quản lý dự án các quận làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình. Việc sử dụng loại đá nào để thi công là do quận, huyện lựa chọn nên trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện.