Khu di tích Hoàng thành Thăng Long mở cửa khu trưng bày cung đình ngày xuân nhằm phác họa không gian phong tục tết truyền thống. Những tập tục trong ngày Tết Nguyên đán như thờ cúng gia tiên, tranh tết, câu đối tết, chúc tết… được tái hiện rõ nét trong không gian trưng bày. Khách tham quan có dịp khám phá các nghi lễ đón tết cung đình xưa. Lễ Chính đán là một nghi lễ của triều Lê, được tổ chức vào ngày mùng 1 Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Kính Thiên. Lễ Chính đán được tổ chức rất trang nghiêm, thể hiện mong muốn phồn thịnh của quốc gia, trường tồn của dân tộc, tạo ra một không khí đầu xuân, một sự khởi đầu mới với niềm hy vọng mang những dự báo tốt đẹp cho năm mới.
Tại không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hội chữ Xuân Quý Mão với chủ đề Sư đạo tôn nghiêm đề cao truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc, tưng bừng mở cửa cho tới mùng 8 Tết (tức 29-1). Riêng ngày 30 Tết, hội chữ mở cửa qua giờ giao thừa, đến 2 giờ sáng mùng 1 Tết. Ba ngày đầu năm mới, hội chữ mở cửa tới 22 giờ.
Không gian Phố sách Xuân Quý Mão 2023 với chủ đề Ươm mầm tri thức - Nảy lộc sắc xuân cũng là không gian văn hóa được trông đợi ở Hà Nội trong dịp tết đến xuân về. Nhằm tạo sự khác biệt và trải nghiệm mới, tại đây, ban tổ chức đã thực hiện nhiều hoạt động đa dạng mang đậm không gian văn hóa đọc và các hoạt động đón Tết Nguyên đán. Đây là năm thứ hai, Phố sách Xuân được tổ chức xuyên Tết Nguyên đán, diễn ra trong 2 tuần, từ ngày 16-1 đến 29-1 (tức từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 8 Tết). Ngoài ra, tại đây còn có các chương trình ca múa nhạc; giao lưu, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại như ca trù, hát xẩm, hát văn, chèo, dân ca, hòa tấu nghệ thuật truyền thống...