Kèm theo hiện tượng sương mù dày đặc và mưa phùn là hiện tượng nồm ẩm phát triển ở nhiều nơi. Từ chiều 2-2, hiện tượng nồm ẩm đã xuất hiện tại khu vực từ Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị trở ra miền Bắc. Từ đêm 2-2 đến sáng 3-2, hiện tượng này xuất hiện tại Hà Nội.
Hàng năm, trước hoặc sau Tết Nguyên đán là hiện tượng nồm ẩm, mưa phùn ở miền Bắc lại xuất hiện (thường vào tháng 2 Dương lịch hoặc tháng Giêng Âm lịch).
Biểu hiện của hiện tượng này là sàn nhà “đổ mồ hôi”, tường nhà, cửa kính ẩm và đọng hơi nước hoặc ngưng tụ thành giọt nước. Vào thời điểm này, các bệnh về da liễu cũng thường xuất hiện, kèm theo bệnh lý xương khớp, hen suyễn… tái phát.
Đường phố Hà Nội ướt át cả ngày do mưa phùn, tình trạng ùn tắc giao thông có thể xảy ra do sương mù cản trở tầm nhìn. Trong nhà cũng có thể ướt sũng nước nếu lộng gió, nhiều gia đình lau liên tục nhưng vẫn không hết tình trạng ẩm ướt.
Theo các chuyên gia khí tượng, nguyên nhân là do độ ẩm trong không khí cao vượt mức bình thường (có thể đạt tới 92 - 95%), mưa phùn hoặc mưa nhỏ xuất hiện cả ngày (kéo dài nhiều ngày liên tục). Nguyên nhân, do ảnh hưởng của không khí lạnh biến tính, hơi ẩm từ ngoài Biển Đông đưa vào đất liền, bị chặn bởi tầng mây thấp dày đặc, khó lưu thoát.
Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hiện tượng nồm ẩm kèm mưa phùn ở miền Bắc và Bắc miền Trung có thể kéo dài đến ít nhất là thứ tư tuần sau, tức ngày 8-2. Từ ngày mai, Hà Nội tạm tạnh ráo vào đêm khuya về sáng và mưa phùn trở lại vào ban ngày.