Đồng thời, TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô.
Thí điểm đô thị thông minh
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, từ đầu năm 2024 tới nay, cùng với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, trong đó có 3 nội dung quan trọng: Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP Hà Nội mong muốn và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội để tạo không gian phát triển mới cho Thủ đô; cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị thông minh tại một số khu đô thị.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, TP Hà Nội rất mong được Chính phủ có cơ chế giao UBND TP Hà Nội lựa chọn 2 - 3 khu đô thị mới trên địa bàn để thực hiện việc thí điểm phát triển đô thị thông minh. Cùng với đó, cho phép thực hiện các dự án tái thiết đô thị trong khu vực nội thành để quy hoạch, bố trí sắp xếp lại dân cư, dành quỹ đất để xây dựng các công trình tạo nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, hình thành các khu dân cư, khu nhà ở đồng bộ, hiện đại.
Đối với việc phát triển các tuyến đường sắt đô thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét ban hành các cơ chế, chính sách “đặc thù”, “đột phá” để phân cấp, phân quyền chủ động cho TP Hà Nội, tập trung nguồn lực, rút ngắn trình tự thủ tục, phương án cân đối nguồn vốn để đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành.
Đồng thời, Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho Hà Nội để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành và khép kín các tuyến đường vành đai. Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Hà Nội tập trung phát triển trục sông Hồng là trục không gian chủ đạo của Thủ đô, để không gian sông Hồng trở thành “biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Phát triển 2 thành phố phía Bắc và Tây
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Luật Thủ đô quy định Hà Nội là đô thị đặc biệt nên Hà Nội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố triển khai ngay các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển thành phố phía Bắc gồm các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Thành phố phía Tây vùng Hòa Lạc, Xuân Mai để kêu gọi các nguồn lực, kinh nghiệm đầu tư phát triển trong nước và quốc tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ, sớm tạo dựng một thành phố thông minh, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đối với việc phát triển kinh tế, TP Hà Nội mong muốn và đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ thành thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Đồng thời, cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và các quy định liên quan.
“Điều này sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các dự án công nghệ cao, các dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ.