Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo chủ trì hội nghị.
Các văn bản được lấy ý kiến tại hội nghị gồm: Đề án “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong tình hình mới”; Đề án “Rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng ở Đảng bộ TP Hà Nội”; “Quy định một số vấn đề về công tác quản lý đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội trong tình hình mới”.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, không phải là một vấn đề mới, nhưng việc xây dựng các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là một vấn đề được trung ương, Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, là yếu tố quyết định đến sự nghiệp của Đảng. Vì vậy, các đề án, quy định được lấy ý kiến tại hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ TP Hà Nội, nhằm thực hiện có hiệu quả các giải pháp về nâng cao chất lượng đảng viên mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, đặc biệt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đã xác định.
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, hiện nay, Đảng bộ Hà Nội có 470.000 đảng viên, chiếm trên 9% tổng số đảng viên của toàn Đảng, nhưng cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng không đồng đều, còn nhiều nơi chạy theo số lượng, chưa thực sự coi trọng chất lượng. Cùng với đó, công tác rà soát, sàng lọc đảng viên không được thực hiện bài bản, thường xuyên; chưa kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; công tác quản lý đảng viên ở một số tổ chức đảng chưa được quan tâm đúng mức; nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ của các đảng viên có lúc, có nơi chưa đảm bảo đúng quy định, còn tình trạng đảng viên “gửi sinh hoạt Đảng” hoặc không chuyển sinh đảng về địa phương.
Bên cạnh đó, việc rà soát, sàng lọc đảng viên, đưa ra khỏi Đảng trong thời gian qua chủ yếu là thông qua các kỳ cuộc kiểm tra, giám sát, hoặc khi có đơn tố cáo, đề nghị đưa ra khỏi Đảng của các cơ quan pháp luật. Việc tự rà soát, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách của các cấp ủy, tổ chức đảng không nhiều; chưa có tiêu chí, quy trình cụ thể, rõ ràng, mỗi cấp ủy làm theo một cách khác nhau, không có sự thống nhất.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến đã đề nghị TP Hà Nội cần tiếp tục đề xuất, xây dựng phần mềm quản lý đảng viên riêng của Hà Nội, kết nối với phần mềm quản lý cán bộ nhằm giảm tải công việc, bởi hiện nay, Hà Nội là Đảng bộ có số lượng đảng viên lớn, nhưng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Đảng không nhiều. Đồng thời, cần đánh giá sâu hơn về giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ, nhất là chi bộ ở khu vực nông thôn trong việc phát triển đảng viên; tập trung nâng cao tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ giảng viên, giáo viên và học sinh, sinh viên.