Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Nguyễn Thị Nga cho biết, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện cho đông đảo công chúng được tiếp cận nguồn sử liệu quan trọng, sát thực đáng tin cậy về một sự kiện rất quan trọng của Thủ đô.
Thông qua các tài liệu, công chúng sẽ được sống lại những giây phút huy hoàng, thời khắc lịch sử mà dân tộc ta đã kiên trì đấu tranh bền bỉ để giành lại độc lập cũng như cảm nhận được những giây phút hân hoan của người dân Thủ đô khi lần đầu tiên được làm chủ vận mệnh của mình.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III Trần Việt Hoa cho biết, hiện nay, trung tâm đang lưu giữ, bảo quản hàng ngàn mét giá tài liệu liên quan đến sự kiện 10-10-1954.
“Trung tâm quản lý những tài liệu độc bản (tài liệu gốc) có giá trị vĩnh viễn của các cơ quan Trung ương như Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành. Nhìn ở góc độ các tài liệu chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, cũng như việc thực hiện các chỉ đạo đó của các bộ, ngành, có thể khẳng định, trung tâm là đơn vị đang quản lý số lượng tài liệu lớn nhất trong các đơn vị đang lưu giữ những tài liệu, hình ảnh liên quan đến ngày 10-10-1954", bà Trần Việt Hoa cho biết.
Một số tài liệu được giới thiệu như: chương trình, kế hoạch và nhân sự cho việc tiếp quản Thủ đô Hà Nội, trong đó có tài liệu về việc thành lập Ủy ban Hành chính Hà Nội; Công văn số 236-TTg ngày 27-7-1954 của Phủ Thủ tướng về kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo phục hồi các thị xã và thành phố cũ; Công văn số 1678 ZYO/3 ngày 20-8-1954 của Bộ Y tế về việc cử thanh niên xung phong đi tiếp quản; Kế hoạch của Bộ Tài chính về tiếp quản Hà Nội năm 1954…
Một số báo cáo, hình ảnh tiêu biểu được giới thiệu như: báo cáo về cuộc đón tiếp bộ đội, chính quyền ta vào ngày 10-10-1954; bộ đội về tiếp quản Cột cờ Hà Nội, phụ nữ Thủ đô rạng ngời đón đoàn quân giải phóng, lễ chào cờ thiêng liêng vào chiều ngày 10-10-1954; báo cáo tình hình tiếp quản sau một ngày, một tháng và báo cáo của các ngành; tình hình đổi tiền Đông Dương và tiền liên bang trong tháng 10-1954…
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra mắt quốc dân đồng bào sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng tại Quảng trường Ba Đình, ngày 1-1-1955 (Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh giai đoạn (1954 - 1985) (LIV), SLT 1439).
Ban tổ chức cũng giới thiệu những tài liệu của các nhạc sĩ có hồ sơ lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III như: Văn Cao, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn với những ca khúc về Hà Nội: Tiến về Hà Nội; Sẽ về Thủ đô; Hà Nội, trái tim hồng… Người xem được cảm nhận một Hà Nội vừa nên thơ, vừa hào hùng.
Những tài liệu lưu trữ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia III được giới thiệu chứa đựng những thông tin tin cậy về quá trình quân dân ta giải phóng, tiếp quản Thủ đô, khẳng định sự chỉ đạo sâu sát, bám sát nhân dân, dựa vào nhân dân để hoạt động và tinh thần kiên cường, bất khuất của quân dân Hà Nội.