Sự kiện diễn ra tại các điểm cầu: UBND TP Hà Nội, UBND 40 tỉnh/thành phố cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cùng khoảng 600 đại biểu tham dự.
Theo Bộ NN-PTNT, đây là diễn đàn phiên thứ 8 được Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản tổ chức theo mô hình của Tổ công tác 970, nhằm đưa hoạt động kết nối nông sản đi vào thực chất hơn, giúp con đường dẫn đến các hợp đồng thương mại cung - cầu nông sản nhanh hơn khi các đơn vị cung - cầu sẽ được "gặp nhau" tại diễn đàn để thông tin cụ thể về nhu cầu của mình như: chủng loại sản phẩm, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng, thời gian thu hoạch, giá dự kiến, địa điểm giao hàng, phương thức vận chuyển…
Từ tháng 9-2021 đến nay, Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã tổ chức được 7 diễn đàn gồm: kết nối tiêu thụ nông sản tươi sống cho TPHCM trong điều kiện giãn cách; kết nối tiêu thụ nông sản cho Tây Nguyên; kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh Bình Dương; kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Đồng Tháp…
Từ những diễn đàn này đã có hàng trăm hợp đồng thương mại cung - cầu nông sản được ký kết. Đồng thời bước đầu hình thành hàng chục chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cho rằng, đây là sự kiện rất có ý nghĩa để các doanh nghiệp, nông dân và nông sản ở miền Nam, nhất là tại Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên có cơ hội ra thị trường Hà Nội, miền Bắc.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết: Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp khoảng 189.000ha, chiếm 56% tổng diện tích đất tự nhiên, tuy nhiên nhiều sản phẩm, hàng hóa thiết yếu do Hà Nội tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30-65% nhu cầu.
Còn theo bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương TP Hà Nội, hiện nay giá một số mặt hàng thiết yếu tại miền Bắc như thịt heo, gia cầm, thủy cầm, thủy hải sản đang xuống quá thấp, người dân không mặn mà tái đàn. Do đó Sở Công thương TP Hà Nội dự báo nguồn cung các sản phẩm này sẽ khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Hà Nội mong muốn Sở NN-PTNT các tỉnh/thành phố phối hợp để triển khai kế hoạch phục vụ thị trường Tết Nguyên đán và triển khai kết nối cung - cầu nông sản dịp cuối năm; giới thiệu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm theo tiêu chuẩn để đưa vào các kênh phân phối ở Hà Nội.
"Hà Nội cũng sẵn sàng phối hợp để kết nối nông sản của các tỉnh/thành phố trên cả nước với các kênh siêu thị nước ngoài như MM Mega Maket, BigC, Aeon Mail... Đồng thời, quảng bá nông sản, thực phẩm an toàn trên 600 trang website thương mại điện tử và sàn thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu" - bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sau diễn đàn này, sẽ tiếp tục tổ chức diễn đàn tại TP Cần Thơ về chủ đề liên kết vùng sản xuất và tiêu thụ tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Sau đó, tiếp tục tổ chức lễ ký kết, hợp tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nông sản cho thị trường TPHCM, cũng như ký kết hợp tác về liên kết vùng trong sản xuất - cung ứng và tiêu thụ nông sản giữa TPHCM và Đồng bằng Sông Cửu Long.