Theo báo cáo mới nhất vào sáng 8-9 của UBND TP Hà Nội, tính từ 19 giờ ngày 7-9 đến sáng nay 8-9, mưa phổ biến từ 48,5mm đến 166,3mm; cao nhất là 166,3mm tại Ba Vì. Cùng với đó, bão số 3 còn kèm cả gió lớn cấp 7-8, giật cấp 10-11, dông lốc mạnh, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Tới trưa nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 2 người tử vong và 7 người bị thương do bão số 3, chủ yếu do cây xanh gãy, đổ đè trúng. Đặc biệt, gió bão đã làm 14.660 cây xanh bị đổ và cành gãy, trong đó số lượng cây xanh bị đổ là 14.272 cây. Cùng với đó là 7 xe máy và 54 ô tô bị hư hỏng do bão. 274 hộ dân và công trình khác bị tốc mái nhà lợp tôn; 4 nhà mái tôn bị sập và rất nhiều cột điện bị đổ. Thống kê cho thấy, tại các huyện ngoại thành, mưa gió đã làm hơn 13.750ha lúa và gần 490ha rau màu bị đổ, cùng hàng trăm hecta cây trồng bị ngập.
Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra cho Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30/30 bí thư quận, huyện, thị ủy tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải tiếp tục theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho người dân.
Thực hiện yêu cầu của Thường trực Thành ủy Hà Nội, các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy tổ chức đảng đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kịp thời thực hiện tốt các biện pháp cấp bách, như: kịp thời di dời người dân ra khỏi nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi có nguy cơ đổ sập; bố trí nơi tránh trú an toàn; bố trí các lực lượng ứng trực kịp thời xử lý các sự cố, hỗ trợ người dân trong mưa bão; duy trì thông suốt các cơ sở hạ tầng thiết yếu; bảo đảm an ninh an toàn.
Về các nhiệm vụ trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, theo sát diễn biến của mưa bão; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân; triển khai công tác ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ" một cách thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. “Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước. Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã thị sát và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Kiểm tra hiện trường việc khắc phục hậu quả mưa bão, cây đổ ở phố Ngô Quyền và Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, bão số 3 đã đi qua và để lại hậu quả nặng nề cho thành phố. Đến thời điểm này, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo và tất cả các Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội theo địa bàn phụ trách đều đã xuống hiện trường để kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục hậu quả mưa bão.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng khôi phục giao thông. “Trong ngày hôm nay, phải khôi phục hệ thống giao thông để thứ Hai người dân đi làm, sinh hoạt bình thường”, ông Trần Sỹ Thanh nêu rõ và đặc biệt lưu ý, với những cây xanh hàng trăm tuổi bị đổ cần cố gắng giữ lại và trồng lại. Ngành điện cần khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, trong đó cần khẩn trương khôi phục mạng lưới trung thế để phục vụ việc bơm tiêu, thoát nước ở những vùng bị ngập úng.