Hà Nội hướng tới đô thị thông minh, nâng chất lượng cuộc sống người dân

70 năm qua, Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất và tinh thần. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ bùng nổ, Hà Nội xác định việc xây dựng đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ giải quyết những vấn đề thách thức trong đời sống, xã hội mà còn là nền tảng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hữu ích và thuận tiện

Chưa đầy 5 phút, bạn trẻ Lê Huy Linh, sinh viên Trường Đại học Thương mại đã đăng ký được thẻ xe buýt online thay thế cho vé xe buýt truyền thống trước đây. Sau khi đăng ký thành công, Huy Linh có thể đi bất kỳ tuyến xe buýt nào muốn, chỉ cần quét mã trên điện thoại nên rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian.

J3a.jpg
Hà Nội đẩy mạnh số hóa trong cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội, cho biết, đến nay, sau 6 tháng triển khai hình thức vé ảo cho hệ thống xe buýt của thủ đô đã có khoảng 50.000 vé xe buýt phi vật lý được đăng ký, chiếm 48% số vé tháng.

Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng hình thức thẻ ảo (thẻ phi vật lý) tham gia vận tải hành khách công cộng kể cả khi không có mạng internet, trung tâm vừa triển khai hình thức thẻ ảo offline dành cho khách hàng, mang lại nhiều sự tiện lợi. Người dùng chỉ cần tải app “Thẻ vé giao thông Hà Nội”, điền thông tin, chụp ảnh và thanh toán, rất nhanh chóng đã có thể dễ dàng hoàn tất đăng ký tài khoản vé xe buýt ảo.

“Không còn cảnh phải xếp hàng chờ đợi để làm thẻ dán tem như trước, giờ đây chỉ với một chiếc smartphone trên tay, cũng không cần kết nối internet, hành khách có thể di chuyển trên tất cả các tuyến xe buýt tại thủ đô”, ông Phương chia sẻ và nói rõ thêm, chỉ một lần chạm, hệ thống sẽ nhận diện được ngay thông tin của hành khách thông qua các máy đọc mã hoặc các máy POS của nhân viên bán vé khi hành khách di chuyển trên đường. Mọi thông tin trên vé cũng được hiển thị chi tiết, giúp nhân viên kiểm soát vé được dễ dàng và thuận tiện hơn.

Trong khi đó, hàng ngày, trên đường đi làm thường xuyên phải chịu cảnh ùn tắc trên phố Hoàng Ngân (ở quận Cầu Giấy) do nhiều xe ô tô dừng đậu trái phép tại đây, chị Phạm Thị Lan (một người dân tại khu vực này) đã quyết định chụp ảnh lại cảnh ùn tắc và số xe đậu trái phép tại đây để phản ánh qua ứng dụng iHanoi (Công dân số Thủ đô). Chỉ 2 ngày sau phản ánh qua iHanoi của chị Lan, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý nhiều ô tô đậu trái phép trên tuyến đường này, giúp giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Chia sẻ với phóng viên, chị Lan bày tỏ: “Qua ứng dụng iHanoi, người dân rất thích tính năng “Phản ánh hiện trường”. Bởi nhờ tính năng này, người dân có thể phản ánh các vấn đề bức xúc, phát sinh hàng ngày để chính quyền, cơ quan chức năng xử lý và giám sát”.

Thông tin thêm về iHanoi, ông Cù Ngọc Trang, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, cho biết, ứng dụng này như “cánh tay nối dài” đưa tiếng nói của người dân, doanh nghiệp đến chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố. Qua đó, các kiến nghị, phản ánh của người dân trong nhiều lĩnh vực đã được nhanh chóng chuyển tới chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đánh giá bước đầu cho thấy, có khoảng 70% ý kiến bày tỏ hài lòng về việc các cơ quan chức năng xử lý các phản ánh của người dân qua iHanoi.

Đô thị thông minh vì người dân

70 năm qua, từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng, những thành tựu phát triển của thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại của đô thị, mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh và bền vững.

Theo ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định việc xây dựng thành một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết. Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, bền vững.

Đến nay, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số và đô thị thông minh. Hơn nữa, chuyển đổi số còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển, chuyển đổi số giúp Hà Nội xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại, hiệu quả, đồng thời còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của thủ đô và của đất nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, thành phố đang triển khai nhiều nhiệm vụ rất quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để xây dựng thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, phấn đấu đến năm 2030, trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu, đòi hỏi Hà Nội phải quyết liệt chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, trong đó chuyển đổi số là rất quan trọng, mang tính đột phá, với mục tiêu xuyên suốt là lấy người dân làm trung tâm phục vụ.

Tin cùng chuyên mục