Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, mô hình y học gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Mặc dù, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16/2014/TT-BYT, sau đó là Thông tư 21/2019/TT-BYT để áp dụng thí điểm hoạt động y học gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có mô hình cụ thể để thực hiện, trong đó vướng mắc nhất là cơ chế xác định giá dịch vụ và thanh toán BHYT cho các dịch vụ bác sĩ gia đình, nguyên tắc phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân.
Trước thực tế này, TP Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội ban hành về danh mục khám chữa bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Hà Nội. Dự thảo nghị quyết này dự kiến sẽ được trình HĐND TP Hà Nội vào kỳ họp thứ 18 tới.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, khi nghị quyết này ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để ban hành quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ BHYT thanh toán và 22 danh mục cấp cứu ngoại viện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến đến tự chủ toàn phần, tính đúng, tính đủ các cấu phần của giá dịch vụ.
Đánh giá cao việc TP Hà Nội đã chủ động xây dựng dự thảo nghị quyết trên ngay khi Luật Thủ đô 2024 được ban hành, TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII đề nghị, nội dung nghị quyết nên bổ sung danh mục, giá dịch vụ y tế và nên có đánh giá tác động xã hội của nghị quyết này. Về xây dựng định mức, cần sát thực tế và đề nghị có nên bổ sung phần điều trị y học cổ truyền vào bảng danh mục này.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cần rà soát lại chất lượng và việc cấp phép cho các mô hình hoạt động theo mô hình y học gia đình để đảm bảo quyền lợi cho người dân và phải tuyên truyền về mô hình y tế gia đình cho người dân hiểu thì mới đạt được mục tiêu của nghị quyết.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho biết, trên thế giới, mô hình y học gia đình phát triển rất tốt. Tuy nhiên, cần đánh giá nguồn lực về y học gia đình trên địa bàn đang hoạt động thực tế như thế nào để có tính thuyết phục hơn.
Đồng thời cần tập trung công tác truyền thông để nâng cao hiệu quả của các mô hình y tế mới, để người dân hiểu và tham gia tích cực hơn; cũng như bổ sung thêm các dịch vụ về tư vấn tâm lý tại nhà, đặc biệt đối với người già, người mắc bệnh mạn tính trong mô hình y học gia đình.
Góp ý cho dự thảo nghị quyết trên, ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đề nghị Sở Y tế Hà Nội bổ sung và ghi rõ “các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn Hà Nội đã được đăng ký theo đúng quy định” để đảm bảo không có tình trạng cở sở chui, hoạt động không phép.
Đồng thời, Sở Y tế phải rà soát các cơ sở y học gia đình trên địa bàn thành phố đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi đi khám bệnh.