Hà Nội dự trữ lượng hàng tết “khủng”, tăng kiểm tra nạn “tẩy date”

Ngày 23-1, Bộ Công thương đã làm việc với Sở Công thương Hà Nội về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

img-5557-8558.jpeg
Mua sắm tết tại Hà Nội

Sẵn sàng lượng hàng hóa tết trị giá gần 41.000 tỷ đồng

Sở Công thương Hà Nội báo cáo, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết Giáp Thìn trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với tết năm 2023.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, khả năng tự cung ứng của Hà Nội đạt khoảng 20-70% nhu cầu (tùy mặt hàng). Lượng hàng thiếu còn lại được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội thông tin, thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Giá thịt heo hơi có dao động tăng nhẹ so với tháng trước, giá rau ăn lá và rau trái mùa tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa rét dài ngày, tuy nhiên nguồn cung vẫn đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Để ổn định mặt bằng giá cả, Hà Nội đã vận động và phê duyệt cho 32 đơn vị tham gia chương trình cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán. Đến nay, các doanh nghiệp đã tăng lượng hàng về các điểm bán với mức tăng 15-50% so với bình thường, trong đó tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%.

Theo ông Hiệp, bên cạnh bán hàng trực tiếp, các doanh nghiệp ở Hà Nội đang đẩy mạnh bán hàng online, thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi.

Siêu thị sẽ mở cửa sớm

Cùng tham gia cuộc họp này, đại diện của các siêu thị cho biết, không chỉ tăng lượng hàng hóa bán đến tận đêm 30 tết mà còn chuẩn bị kế hoạch mở cửa lại sớm sau tết.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, cho biết, siêu thị này được giao dự trữ tăng 20 - 50% lượng hàng hóa thực phẩm tết (9 nhóm hàng thiết yếu), tổng giá trị lên 10.000 tỷ đồng. Dự báo người dân bắt đầu mua sắm mạnh trong những tuần sát Tết Nguyên đán.

Còn đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Wincommerce nhận định, sức mua hàng hóa tết tăng khoảng 20%. Tại hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện ích như Winmart và Winmart+ trên địa bàn Hà Nội, đơn vị này đang tập trung cho các mặt hàng trọng tâm như lương thực, thực phẩm tươi sống, thịt heo mát, gia cầm, thủy hải sản, rau xanh…

“Chúng tôi đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung từ cách đây 2-3 tháng, đồng thời làm việc với các địa phương, các nhà cung cấp để đảm bảo cả số lượng, chất lượng. Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, giá cả sẽ không có biến động lớn”, đại diện Wincommerce thông tin.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long thì chia sẻ, năm nay do kinh tế khó khăn, nên tăng trưởng bán lẻ tại BigC chỉ khoảng 10% (mọi năm là 15-20%). Năm nay, người dân tập trung vào các sản phẩm giá cả phải chăng, các sản phẩm của Việt Nam.

Đại diện của Bộ Công thương, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đề nghị Sở Công thương Hà Nội phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Nội đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết như mặt hàng gạo, thịt heo và các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán, với giá bình ổn theo đúng kế hoạch.

Bà Hiền cũng cho biết, Vụ Thị trường trong nước sẽ trao đổi với Tổng cục Quản lý thị trường để bàn giải pháp xử lý tình trạng bán hàng online mà không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Nguy cơ "tẩy date"

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho rằng, năm nay vấn đề ưu tiên lớn nhất cho các doanh nghiệp là bán hàng, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm tra, kiểm soát tình trạng hàng kém chất lượng, nhất là tình trạng “tẩy date” hàng hóa.

“Vừa rồi, tại Đông Anh (Hà Nội), lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ trên 50 tấn có dấu hiệu tẩy date. Đây là dấu hiệu của việc lừa dối khách hàng. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ để chuyển cơ quan cảnh sát điều tra huyện Đông Anh thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền”, ông Hùng cho biết.

Tin cùng chuyên mục