Chiều tối 4-3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay thành phố đã qua 17 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Hiện nay toàn bộ 18 địa điểm liên quan tới các ca mắc tại Hà Nội đã kết thúc phong tỏa.
Mặc dù dịch bệnh trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bùng phát vẫn ở mức cao. Vì vậy, các đơn vị song song với việc phát triển kinh tế thì cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND TP Hà Nội.
Trong khi đó, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, trước đề xuất mở cửa lại các di tích, cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố, Sở dự kiến đề xuất với thành phố cho mở cửa trở lại các di tích từ ngày 8-3 nếu từ nay đến 8-3 không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng.
Cùng với đó, lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao cũng đề xuất chỉ đạo các di tích, cơ sở tôn giáo không tổ chức lễ hội. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở tôn giáo tổ chức các hoạt động đầu năm như lễ cầu an… theo hình thức online để hạn chế tập trung đông người.
Tại các di tích, cơ sở tôn giáo phải nghiêm túc thực hiện 5K theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế và đảm bảo các điều kiện an toàn.
Đáng chú ý, liên quan đến việc cho mở cửa trở lại điểm di tích thắng cảnh Chùa Hương (ở huyện Mỹ Đức), bà Trần Thị Vân Anh cho biết vào sáng 5-3, Sở Y tế cùng Sở Văn hóa -Thể thao sẽ có buổi làm việc với huyện Mỹ Đức để bàn về việc này. Trong đó, sẽ rà soát lại các phương án phòng chống Covid-19 tại các địa điểm ở di tích chùa Hương, cũng như các điều kiện để đảm bảo an toàn.
"Nếu đủ điều kiện, có thể mở cửa trở lại từ ngày 8-3 và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP Hà nội theo phân cấp quản lý. Riêng đối với Chùa Hương, một trong những di tích trọng điểm, thu hút đông đảo người dân và thời gian du xuân trẩy hội kéo dài, cần có văn bản hướng dẫn riêng để bảo đảm yêu cầu trong tổ chức thực hiện", ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.