Hà Nội đồng hành, nỗ lực gỡ khó khăn để phát triển các làng nghề

Ngày 5-7, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố năm 2024.

Hà Nội đồng hành, nỗ lực gỡ khó khăn để phát triển các làng nghề

Hội nghị nhằm cung cấp thông tin về tình hình thực hiện, các giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư vào bảo tồn và phát triển làng nghề, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn.

Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề luôn được TP Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh phát triển làng nghề là nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Nhằm phát triển làng nghề, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó, thí điểm phát triển 6 làng nghề gắn với du lịch, xây dựng 9 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề… Đặc biệt là tập trung phát triển các cụm công nghiệp, tạo điều kiện phát triển làng nghề bền vững.

6.jpg
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được Thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng. Sản phẩm của các làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình OCOP và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề cao hơn nhiều so với lao động thuần nông, phổ biến từ 4 - 5,5 triệu đồng/người/tháng. Tại một số quận, huyện, lao động làng nghề có thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên như: Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoài Đức.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nhỏ lẻ hoạt động tại các làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, như: quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề; khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu; thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành nghề.

Anh 05.7 - 6.jpg
Các đại biểu dự hội nghị

Trước thực trạng này, chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những ý kiến chia sẻ của các doanh nghiệp và hợp tác xã làng nghề. Hiện riêng doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD, chiếm 1/50 giá trị thành phố Hà Nội sản xuất ra. Đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động ở khu vực nông thôn. Quan trọng hơn là nơi chúng ta lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam; mang văn hóa ra thế giới, giao lưu với thế giới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu rõ, các cấp ủy, cả hệ thống chính quyền từ thành phố đến quận, huyện rất quan tâm tới các làng nghề. Tuy nhiên, có lúc có nơi sự quan tâm chưa đầy đủ, khiến lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

“Thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững”, ông Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh và khẳng định Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề, nhất là tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục