Cùng tham gia vào chương trình, ngoài tác giả Tô Minh Nguyệt còn có nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. Cả ba từng có thời gian gắn bó ở Hà Nội, từng trải qua những năm tháng đau thương khi Hà Nội ngập chìm trong bom đạn của 12 ngày đêm lịch sử cách đây 50 năm. Đặc biệt, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã mang đến chương trình những hiện vật gắn liền với Hà Nội một thời như balo, mũ rơm, mũ cối, dép cao su. Những hiện vật đó làm thức dậy rất nhiều ký ức buồn vui, đau khổ, hạnh phúc… trong tâm thức của những người từng sống ở Hà Nội thập niên 60, 70 của thế kỷ trước.
Nhà báo Tô Minh Nguyệt, sinh năm 1944 tại làng Láng (Hà Nội). Bà tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), nguyên phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Trước Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô, tác giả Tô Minh Nguyệt từng có một số cuốn sách được xuất bản như: Người mẹ Hà Nội (1981), Tình yêu và cuộc sống (1983), Địa chỉ mùa xuân (1985), Một thời không xa vắng (1993), Bầu trời xanh (1997)…
Chương trình ra mắt sách Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô là dịp để tất cả mọi người cùng nhìn lại những gì trong quá khứ, nhìn lại thời bom đạn, với biết bao câu hỏi, trăn trở, về một thế hệ, một thời đại - những con người đầy khát vọng, lý tưởng hừng hực của tuổi trẻ ngày xưa nay đã là những bậc lão thành. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ ngày nay có thể tìm hiểu về sự quật cường và sức mạnh dân tộc trong thời kỳ đầy khốc liệt. Làm sao có được một sức mạnh dân tộc đoàn kết, làm sao mà cả một thế hệ thanh niên có thể cống hiến trọn vẹn tuổi xuân, trọn vẹn sức sống cho đất nước trong hoàn cảnh sống như vậy.
Khi được yêu cầu gửi một lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ ngày hôm nay, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải bày tỏ: “Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, chúng tôi đã hết lòng trong thế hệ của chúng tôi, và giờ các bạn cũng hãy hết lòng với thế hệ của mình”.