Chiều 25-7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; về thí điểm mô hình chính quyền đô thị; thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù và về việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự hội nghị |
Hà Nội có tốc độ tăng trưởng bằng 1,3 lần bình quân cả nước
Trình bày báo cáo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, kinh tế Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 bằng khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước.
Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86%; bằng 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). Thu ngân sách vượt dự toán hàng năm, cơ cấu nguồn thu theo hướng tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 hơn 656.000 tỷ đồng (đạt 119,9% dự toán Trung ương giao). Chi ngân sách được điều hành chủ động, linh hoạt, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp. Tổng chi ngân sách TP Hà Nội giai đoạn 2021-2022 khoảng 178.500 tỷ đồng (đạt 82,8% dự toán)…
Số lượng biên chế công chức phường chưa đáp ứng yêu cầu
Đối với việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Hà Nội đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường.
Hà Nội đã chủ động thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức phường; đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tại 175 UBND phường với 2.452 người (giảm 252 người).
Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên, vai trò, phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với UBND phường được đảm bảo, tăng cường. Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các quận, thị xã, phường được đánh giá tốt.
Tuy nhiên, khối lượng công việc của HĐND các quận, thị xã tăng lên nhiều khi thực hiện chính quyền đô thị, nhưng số lượng đại biểu HĐND so với nhiệm kỳ trước giảm. Hoạt động của HĐND ở một số ít địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt trong việc triển khai nhiệm vụ.
Đáng lưu ý, số lượng biên chế công chức làm việc tại các phường còn chưa đáp ứng yêu cầu so với quy mô dân số của các phường. Một số nội dung thu, chi ngân sách thực hiện ở cấp phường còn vướng mắc, cần tiếp tục có văn bản hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự chủ động trong điều hành của UBND phường. Việc chuyển đổi công chức Đảng, đoàn thể ở phường chưa đồng bộ với chuyển đổi công chức UBND phường.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét, thống nhất chủ trương về thực hiện mô hình chính quyền đô thị và quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) theo hướng quy định mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội giữ nguyên và ổn định như nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng thời, bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội và tăng số lượng, tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại phiên họp |
Bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô
Về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Hà Nội cho biết, dự thảo bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 6 chương, 59 điều. So với Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật tăng 2 chương, 32 điều, trong đó bổ sung mới, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD; về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội.
Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế, xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.