
Cô bạn gái tròn xoe mắt ngạc nhiên khi nghe tôi nói muốn đi thăm mấy “cửa khẩu” ở Hà Nội trong một buổi chiều. Một người khác nhìn tôi như từ trên trời rơi xuống khi nghe tôi hỏi đường đến cửa khẩu trong lòng một con phố Hà Nội. Hà Nội cũng có cửa khẩu của riêng mình, mà hình như không ở đâu có...

Cửa khẩu Hàm Tử Quan. Ảnh: TRẦN BÌNH
Khái niệm về “cửa khẩu” Hà Nội
Theo khái niệm cơ bản, “cửa khẩu” được hiểu như là cửa ngõ của một quốc gia mà nơi đó diễn ra các hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và qua lại biên giới quốc gia đối với người, phương tiện, hàng hóa và các tài sản khác. Ít người biết về cửa khẩu nhưng khái niệm về cửa khẩu ở Hà Nội lại nhiều đến mức kinh ngạc, ngay cả với những người dân sinh sống trên dọc tuyến đê sông Hồng.
Bác Yến, bán nước ngay đầu cửa khẩu Vân Đồn cho rằng, cứ chiếc cổng nào được mở từ trên đê để dân cư vào bãi sông Hồng có rãnh (giống như các rãnh trượt cho cửa xếp hiện nay) để “lấp” cửa (đóng cửa) chắn đường lũ tràn vào nội thành Hà Nội mỗi khi lũ đến thì được gọi là một cửa khẩu. Theo quan niệm này, thì hiện nay Hà Nội phải có khoảng 10 cửa khẩu, như: Đầm Trấu, Vân Đồn, Chương Dương Độ, Hàm Tử Quan, Long Biên, An Dương, Nhật Tân, Chèm... Chúng tôi hỏi bác, các cửa ở cửa khẩu đã được đóng lần nào chưa? Bác Yến bảo rằng, đóng nhiều rồi và năm đóng các cửa khẩu gần đây nhất là vào năm 2003.
Nhưng cũng có những người hiểu chút ít về lịch sử đất nước thì cho rằng, Hà Nội chỉ có 2 “cửa khẩu” thôi, đó là Chương Dương Độ và Hàm Tử Quan. Theo lập luận của nhóm này thì thời chiến tranh với Mỹ, bộ đội ta tập kết vào Nam qua cửa khẩu Chương Dương và bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc thì vào Hà Nội qua cửa khẩu Hàm Tử Quan, do đó, lịch sử để lại ở Hà Nội chỉ đúng 2 cửa khẩu ấy thôi, còn các cửa khẩu khác là tên tự đặt, truyền miệng và lưu lại đến ngày nay như một sự tự nhiên.
Trong khi đó, có người lại cho rằng, cách đây 20-30 năm, khi tuyến đê sông Hồng vẫn chủ yếu là đê đất, người dân đã tự tạo ra những con đường để ra vào bãi sông Hồng và họ gọi đó là những cửa khẩu để ra, vào bãi. Đây cũng là một khái niệm đáng lưu ý về cửa khẩu, bởi nếu nó đúng thì Hà Nội phải có đến 20 cửa khẩu ra vào khu vực bãi sông Hồng.
Hầu hết các cửa khẩu mà chúng tôi đã gặp ở Hà Nội đều có chung một điểm: chống lũ. Bác Nguyễn Văn Nam, một công dân có đến mấy chục tuổi đời sinh sống ở vùng bãi sông Hồng kể rằng, những cửa khẩu này có thời kỳ được hoạt động liên tục, có năm đóng tới 2 lần vì lũ về lớn quá. Người dân ngoài đê dáo dác chạy lên đê, vào thành tránh lũ. Còn những thanh niên trai trẻ lại phải khệ nệ, túm bảy, tụm tám vào bê những miếng bê tông đã được đúc sẵn để mang ra cửa khẩu, chốt vào các rãnh đã được làm từ khi xây cổng để ngăn lũ tràn qua đê.
Đời sống cửa khẩu hôm nay...
Dường như ai cũng hiểu nhịp sống Hà Nội hối hả, sôi động, đặc biệt ở các con phố trung tâm nhưng có một lần ngang qua các cửa khẩu Hà Nội mới thấy, nhịp sống ở đây có cái gì đó thật lạ mà mỗi cửa khẩu lại mang một bộ mặt khác nhau. Cửa khẩu Đầm Trấu thì hiện đại với các khu nhà chung cư mọc lên khang trang, với những nhà hàng mà tên tuổi của nó cũng đã thành đặc sản của Hà Nội.
Cửa khẩu Vân Đồn thì cũ kỹ đến mức đáng kinh ngạc. Những đống tre, nứa vứt ngổn ngang ngay đầu cửa khẩu, những chiếc đồng hồ hỏng treo ở ngay ngôi nhà đầu tiên khi vừa đặt chân vào cửa khẩu càng làm cho nhịp sống ở đây cũ kỹ, yên bình, nó giống như một làng quê hơn là một cửa khẩu có những thời điểm xe ra xe vào cảng lũ lượt, dồn dập. Đây cũng là cửa khẩu duy nhất có một chiếc cầu bắc qua, tạo thành một điểm khác biệt lớn nhất so với những cửa khẩu còn lại.
Cửa khẩu Chương Dương Độ và Hàm Tử Quan lại rất giống nhau, ở cả lượng người ra vào, ở cả nhịp sống hàng ngày. Những ngôi nhà san sát nhau với đủ mọi dịch vụ từ ăn uống, quần áo đến đồ gia dụng khiến cho hai cửa khẩu này chẳng còn chút nào dấu ấn của một thời lịch sử. Trong khi đó, cửa khẩu Long Biên lại luôn tấp nập người xe, bởi ngay sau đó là khu chợ rau quả lớn nhất Hà Nội. Đâm thẳng từ đường Thanh Niên lên là cửa An Dương. Qua cửa khẩu này là một loạt nhà hàng, quán nhậu và nhà nghỉ.
Đi theo đê sông Hồng, nước lên mạn cầu Thăng Long, sẽ gặp cửa khẩu Chèm 1 và Chèm 2. Hai cửa khẩu này đang bị tốc độ đô thị hóa cuốn đi bởi cát và những làn bụi mù mịt từ những chiếc xe tải chở sỏi cát mới ra khỏi bãi sông Hồng. Thông thường, tại hai cửa khẩu này, ô tô chở cát từ dưới cửa sông đi lên sẽ được rửa sạch trước khi ra khỏi cửa khẩu nhưng hiện nay, cuộc mưu sinh cơm áo, gạo tiền khó khăn khiến cho cánh tài xế cho rằng việc rửa xe trở thành xa xỉ...
Có thể những cửa khẩu ở Hà Nội không thể trở thành những cầu nối như vậy nhưng nó là nơi để người dân Hà Nội có thể “ra vào” để tìm về một không gian Hà Nội ngay sát ven sông Hồng, khác nhiều so với không gian phố phường ken đặc nhà cửa, người xe ở bên kia đê. Những cửa khẩu có thể xem là thứ “quý hiếm” của Hà Nội và không ở đâu có được.
Ngọc Tú