Theo đó, TP Hà Nội cho phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy như thuyền, cano, mô tô nước, xe đạp nước… nhưng không lưu trú qua đêm.
Các loại hình khác được tổ chức ở hồ Tây, bao gồm: Kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; tổ chức các lễ hội truyền thống, các giải đua thuyền; hoạt động bơi, lặn. Cùng với đó, thành phố cho phép xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh hồ Tây.
UBND TP Hà Nội giao UBND quận Tây Hồ chịu trách nhiệm bố trí kinh phí, giao nhiệm vụ cho đơn vị có chức năng thường xuyên thực hiện việc quan trắc, kiểm tra chất lượng nước hồ, xác định nguyên nhân tác động có thể gây ô nhiễm nước hồ để xử lý theo quy định. UBND quận Tây Hồ cũng được giao tổ chức thực hiện đầu tư, quản lý sau đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây.
Trước đó, vào ngày 31-1, UBND quận Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Ban Quản lý Hồ Tây. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND TP Hà Nội.