Hà Nội cần chấn chỉnh, lưu ý những phản ánh của người dân về bộ phận một cửa

Ngày 29-8, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 4 chỉ số, gồm: PAR INDEX (cải cách hành chính), SIPAS (sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước), PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PGI (chỉ số xanh cấp tỉnh), cùng các giải pháp nâng cao các chỉ số trên của Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số của Hà Nội có chuyển biến tích cực, thực chất và hiệu quả. Trong đó, chỉ số PAR INDEX từ năm 2021-2023 của Hà Nội đứng trong tốp 10, đặc biệt năm 2022 và 2023, PAR INDEX của Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Chỉ số SIPAS tiếp tục duy trì năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80%, năm 2023 tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp vào nhóm các thành phố trực thuộc trung ương có chỉ số hài lòng cao. Kết quả chỉ số PCI của Hà Nội năm 2023 đạt 67,15 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh.

11.jpg
Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá về các chỉ số cải cách hành chính

Mặc dù đánh giá cao Hà Nội đã có nhiều chuyển biến trong cải cách hành chính nhưng theo ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), qua đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của Hà Nội còn có biên độ dao động lớn. Trong đó, cần lưu ý đến chỉ số về việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân, tránh để người dân bức xúc. Khảo sát năm 2023, trong 2.700 người dân được hỏi, có 11,38% người dân cho biết có hiện tượng công chức gây phiền hà, sách nhiễu (cao hơn 5,93% so với năm 2022).

“Chỉ số không mong muốn này mà lại cao hơn năm trước thì cần quan tâm chú ý đến việc kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ công chức”, ông Phạm Minh Hùng chỉ rõ và cho biết thêm, 10,28% người dân cho biết phải đưa tiền ngoài quy định cho công chức khi giải quyết công việc (cao hơn 4,98% so với năm 2022). Cùng với đó, có trên 60% số người được hỏi mong muốn nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công trực tuyến.

Anh 29.8 - 8.jpg
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long đề nghị TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, trong đó, chú trọng vai trò của người đứng đầu. Đặc biệt, cần đổi mới trong cách làm, công nghệ, phát huy hiệu quả các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, thay đổi cung cách quản lý.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số và triển khai Đề án 06. Đặc biệt, TP hà Nội cần tiếp tục chấn chỉnh và thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, nhất là những vấn đề liên quan đến nhũng nhiễu ở bộ phận một cửa.

Tin cùng chuyên mục