Hà Nội 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”: Trận đầu đánh thắng

Hà Nội 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”: Trận đầu đánh thắng

Ngay từ giữa tháng 12-1972, tình báo quân đội của ta đã nắm được nhiều thông tin liên quan đến việc Mỹ huy động tổng lực tập trung tại căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, Philippines và Utapao (Thái Lan). Nhận định được đưa ra: “Việc B52 đánh vào Hà Nội chỉ là ngày một, ngày hai nữa thôi”. Trưa ngày 18-12, Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân (PK-KQ) Lê Văn Tri nhận định: “Đêm nay, địch sẽ đánh vào Hà Nội”…

Phá nhiễu, nhận diện B52

Hà Nội 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”: Trận đầu đánh thắng ảnh 1

Trận địa tên lửa 361 tại Gia Lâm, Hà Nội.

Từ đầu tháng 12-1972, Trung đoàn radar H91 được điều về Vinh, Nghệ An với nhiệm vụ sớm phát hiện máy bay B52 xâm nhập không phận nước ta trước khi vào thủ đô Hà Nội. Tại đây, cán bộ-chiến sĩ của trung đoàn tiếp tục học chống “nhiễu” từ máy bay địch.

Đại tá Đỗ Văn Năm, nguyên Trung đoàn trưởng H91 (hiện cư ngụ tại EE1 Bạch Mã cư xá Bắc Hải quận 10) nhớ lại: “Mỗi chiếc B52 có đến 15 máy nhiễu, cộng thêm địch cho tàu sân bay và các loại máy bay khác phát tín hiệu gây nhiễu giả, nên ban đầu việc phát hiện máy bay vào vùng trời nước ta khá khó khăn.

Chính vì hạn chế này, đã có một số máy bay B52 lọt qua tầm radar của ta ném bom Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng. Vì thế, chúng tôi hạ quyết tâm “vạch nhiễu tìm thù”. Các trắc thủ phải tìm cách phân biệt được các loại nhiễu trên màn hình sóng: đâu là nhiễu điện tử, đâu là nhiễu của máy bay tiêm kích hộ tống B52, của máy bay chiến thuật nghi binh. Mỗi lần máu đổ là một lần có thêm kinh nghiệm, nhiều cách phá nhiễu mới được áp dụng…”.

18 giờ 30 ngày 18-12, Đại đội 16 ở Diễn Châu phát hiện nhiễu và báo về Sở chỉ huy của trung đoàn. Ngay lập tức, Sở chỉ huy chỉ đạo Đại đội 45 ở Đô Lương mở máy, thu tín hiệu nhiễu. 18 giờ 40, Đại đội trưởng Đại đội 45 Đinh Hữu Thuần báo về Sở chỉ huy trung đoàn: B52 từ hướng biên giới Lào đang xâm nhập vùng trời nước ta và theo hướng vào thủ đô Hà Nội. Trung đoàn trưởng hỏi lại: “Cậu có chắc không?”. Tiếng Đinh Hữu Thuần chắc nịch: “Báo cáo thủ trưởng, chắc chắn! B52 đang bay vào Hà Nội…”.

18 giờ 50, bộ đội PK-KQ nhận lệnh báo động cấp 1- cấp sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Người dân Hà Nội cũng được báo động xuống hầm trú ẩn… Đúng như phán đoán, 35 phút sau khi báo cáo, máy bay B52 đang bay vào Hà Nội, 3 tốp B52 gồm 9 chiếc xuất hiện trên bầu trời thủ đô và các tỉnh lân cận. Nhiệm vụ “vạch nhiễu tìm thù” của các chiến sĩ radar đã phần nào hoàn thành. Tất cả dõi mắt về Hà Nội – nơi những loạt đạn pháo cao xạ, tên lửa đang vạch sáng bầu trời.

B52 cháy rất to, thủ trưởng ơi!

Ngày 23-6-1997, Tướng William Smith, nguyên trợ lý của Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Bằng cách nào Việt Nam đối phó được những vũ khí hiện đại của Mỹ?”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời, đại ý: “Việt Nam là một dân tộc có ý chí bất khuất hàng ngàn năm. Quân đội nhân dân Việt Nam là một đội quân anh hùng, thông minh và sáng tạo. Chúng tôi đã tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân, do dân, vì dân nên chúng tôi đã thắng”.

Đóng quân ở khu rừng trám trên trận địa Cổ Loa, anh em chiến sĩ của Tiểu đoàn Tên lửa 59 Trung đoàn H61 sốt ruột vì sau đợt không kích đầu tiên, Đại đội 1 bắn 3 tên tửa SAM2 nhưng không trúng mục tiêu nên tên lửa tự hủy. Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận mím chặt môi, động viên anh em chờ đợt bắn sau.

Hơn 20 giờ, B52 rải bom xuống Đông Anh. Mùi thuốc từ bom khét lẹt tràn vào cabin, đất đá rào rào rơi trên nóc. Cabin rung mạnh nhưng các tủ tín hiệu, đèn vẫn bật sáng. Một dải nhiễu đậm đặc xuất hiện trên màn hình sóng. Trên tiêu đồ hỏa lực, B52 bay theo hướng Bắc Tam Đảo, qua Thái Nguyên và đánh vào Hà Nội. Cả cabin, ai cũng căng thẳng nhìn vào vệt nhiễu đang di chuyển mỗi lúc một gần…

Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận (nay cư ngụ tại số 2 đường Quách Văn Tuấn phường 12 quận Tân Bình) nhớ lại: Anh em chúng tôi chắc chắn là trong dải nhiễu có B52 và quyết bắn cho bằng được. Tôi mở đồng bộ 6 bệ phóng. Trên tủ điều khiển, tất cả các đèn tín hiệu rực sáng, chờ đợi. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng ra lệnh: “Phóng góc tà 340, 3 quả”. Tôi lần lượt phóng 3 quả tên lửa. Trên màn hình, tín hiệu 3 quả tên lửa nối đuôi nhau bay ổn định đi vào tâm của cánh sóng.

Hà Nội 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”: Trận đầu đánh thắng ảnh 2

B52 bị bắn rơi ở Hà Nội.

Tên lửa bay đến cự ly 15km thì nổ. 3 trắc thủ là Lê Xuân Linh, Trần Công Đoàn và Ngô Đức Tứ đồng thanh reo vang: “Mất dải nhiễu”. Trên nóc cabin, tiếng chiến sĩ Hà Chí Quang hô to: “Cháy rồi, B52 cháy rồi, cháy rất to thủ trưởng ơi”. Lúc đó, đồng hồ chỉ đúng 20 giờ 13 phút ngày 18-12-1972.

Ngay sau khi tin được báo lên Sở chỉ huy trung đoàn, Trung đoàn phó, Thiếu tá Võ Công Lạng trực tiếp ra chỗ B52 bị bắn hạ. Đó là cánh đồng Chuôm thuộc xã Phù Lỗ huyện Kim Anh tỉnh Vĩnh Phú (nay là huyện Sóc Sơn Hà Nội), cách sân bay Nội Bài chừng 5km. Giữa đám xác máy bay cháy rơi vãi, anh nhặt được mảnh thép có lô gô của máy bay B52G in hình cành ô liu và cây trúc nhiệt đới…

Anh em trong Tiểu đoàn 59 vui mừng khôn xiết vì đã bắn rơi được pháo đài bay B52 của địch. Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng đó là chiếc B52 đầu tiên. Chỉ đến khi nghe cấp trên thông báo, cả tiểu đoàn mới biết, chiếc B52G, xuất phát từ căn cứ Guam chính là chiếc B52 đầu tiên của địch bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Cũng trong đêm 18-12, đã có 3 chiếc B52 bị bắn hạ bởi bộ đội Tên lửa, Quân chủng PK-KQ. - mở đầu cho chuỗi trận thắng liên tiếp 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” - một kỳ tích trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Cẩm nang bìa đỏ của bộ đội Tên lửa

Cuốn sách mang tên “Cách đánh B52 của bộ đội Tên lửa” được in trên giấy đen với bìa đỏ bọc ngoài, được anh em chiến sĩ PK-KQ gọi vui là “Cẩm nang bìa đỏ”. Chỉ dày 30 trang đánh máy nhưng nó là kết quả của một quá trình tìm tòi gian khổ từ kinh nghiệm chiến đấu thực tiễn của các đơn vị. Trong cẩm nang, cách phá “nhiễu”, đánh B52 làm sao cho hiệu quả được chỉ dẫn tận tình. Nhiều anh em chiến sĩ PK-KQ đã xem “Cẩm nang bìa đỏ” như kim chỉ nam để tìm diệt B52, tạo nên thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972.


THẠCH THẢO

Tin cùng chuyên mục