Sẽ là “ăn mày dĩ vãng” nếu gợi nhắc về những: Thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Giọng hát Việt, Cặp đôi hoàn hảo, Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s Got Talent… Nhưng, cũng là dễ hiểu bởi cho đến bây giờ, đó vẫn là những sân chơi tìm kiếm tài năng đình đám - nơi rất nhiều gương mặt được phát hiện và đến gần hơn với công chúng.
Ở thời điểm hiện tại, các gameshow, truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng vẫn đều đặn lên sóng truyền hình, thậm chí tiếp tục chiếm lĩnh giờ vàng. Có thể kể đến: Thần tượng đối thần tượng, Sao nối ngôi, Sàn đấu vũ đạo, Thanh âm quyền năng, Sàn chiến giọng hát, Nhóm nhảy siêu việt, Siêu tài năng nhí…
Có những cuộc thi đã có thâm niên như: Giọng hát Việt nhí 2021 vừa kết thúc mùa thứ 8, Solo cùng bolero bước sang mùa thứ 7, hay Ca sĩ thần tượng cũng đã sang mùa 4. Tuy nhiên, nếu để chỉ mặt đặt tên những chương trình tạo hiệu ứng với khán giả, ngoài Rap Việt và King of Rap thời gian gần đây gây bất ngờ bởi sự mới mẻ, thì tất cả đều… nhàn nhạt.
Có thể nhận thấy, hầu hết các chương trình đều có định dạng (format) na ná nhau theo kiểu thí sinh thi thố, giám khảo nhận xét, mời gọi, tranh giành về đội của mình. Mới mẻ hơn một chút có Sàn chiến giọng hát vừa kết hợp thi thố, nhưng vẫn đề cao tính giải trí thông qua hình thức đấu giá giọng hát. So với những format độc đáo và đang tồn tại trên thế giới, nhiều đơn vị sản xuất tại Việt Nam “thêm mắm, dặm muối” biến nó thành cái của mình nên không thể đi đường dài.
Nhưng, nhân tố quan trọng nhất của các cuộc thi chính là mặt bằng chất lượng thí sinh. Các nhân tố mới thì thiếu cá tính, thiếu tài năng nổi trội nên không thể tạo thành hiện tượng. Trong khi những gương mặt cũ “chinh chiến” khắp sóng truyền hình, khiến khán giả nhàm chán. Thậm chí, nhiều cuộc thi dù mời hàng loạt tên tuổi ít nhiều đã có danh tiếng, cũng không thể bật lên. Dễ hiểu vì khi số lượng tài năng có hạn mà các chương trình cố tận thu, đã khiến chất lượng đi xuống.
Thực tế hiện nay, việc tìm kiếm và phát hiện tài năng của các show truyền hình dường như đang rơi vào ngõ cụt. So với những chương trình thuở ban đầu tổ chức casting thí sinh ở khắp mọi miền đất nước, đi đến tận những vùng sâu vùng xa để mời gọi những tài năng thực thụ, nay các đơn vị sản xuất đang lộ rõ sự đuối sức. Chất lượng thí sinh, giám khảo, các chương trình không còn được đầu tư quy mô đã dẫn đến mức độ uy tín cũng giảm sút. Trong khi đó, nhiều thí sinh mang danh là quán quân, thậm chí đăng quang ở nhiều cuộc thi khác nhau cũng không thể bật lên. Thiếu cả điều kiện cần và đủ nên dẫu còn tồn tại, các sân chơi tìm kiếm tài năng vẫn luôn chật vật là điều tất yếu.