Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học thực hiện vào tháng 3-2023 tại hang đội 4, vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Sau gần 2 tháng mở hố, tại hố khai quật 6m2, các nhà khoa học đã phát hiện mộ táng nằm co bó gối xuất lộ ở độ sâu 50cm so với bề mặt. Đây là một phương thức mai táng điển hình của cư dân Văn hóa Hòa Bình và đã từng được phát hiện trong nhiều di tích hang động thuộc Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam.
Tại di chỉ hang đội 4, các nhà khảo cổ phát hiện ba mộ gồm có trẻ em và người trưởng thành, trong đó có mộ cải táng và mộ song táng (người đàn ông đang ôm em bé), chôn theo tư thế nằm co bó gối. Đây được xem là lần đầu tiên phát hiện di cốt người cách ngày nay khoảng 10.000 năm ở Hà Nam. Ngoài di cốt người, còn tìm thấy vỏ nhuyễn thể cùng với xương răng động vật với số lượng đáng kể qua diễn biến của các lớp đào. Đa số di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều là các loài thú nhỏ, có thể là nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ. Bên cạnh đó, loại hình công cụ đá tại hố khai quật không lớn nhưng các đặc điểm cho thấy, sưu tập hiện vật đá ở đây thuộc Văn hóa Hòa Bình.