Ngày 25-4 vừa qua, quyển cuối của bộ tiểu thuyết Mật mã Tây Tạng đã ra mắt độc giả Trung Quốc, nhưng điều làm dư luận hụt hẫng là cha đẻ của nó – nhà văn Hà Mã vẫn chưa chịu lộ diện trước công chúng. Mật mã Tây Tạng (ảnh) nói về cuộc phiêu lưu của Trác Mộc Cường Ba và nhóm bạn trên đường tìm kiếm Tử Kỳ Lân – loài chó dũng mãnh nhất thế giới thuộc chủng loại Tạng Ngao, đã bị vướng vào cuộc tranh giành kho báu ngàn năm của Phật giáo Tây Tạng.
Năm 2008, văn đàn Trung Quốc phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn như lượng nhà văn tăng lên nhưng chất lượng tác phẩm giảm sút, đề tài chủ yếu xoay quanh tình yêu, tình dục, thể hiện sự “lười đọc, lười đi” của các nhà văn trẻ. Chính trong thời điểm này, sự ra đời của Mật mã Tây Tạng đã thổi một làn gió mới vào nền văn học đương đại Trung Quốc. Ngày 15-1-2008, tác phẩm lần đầu tiên xuất hiện trên trang sina, chỉ trong 5 ngày lượt bạn đọc đã vượt ngưỡng con số 1 triệu, được xướng danh là “ bộ sử thi truyền kỳ về Tây Tạng”. Số lượng tiêu thụ của 9 quyển đầu đã vượt mức 3 triệu cuốn. Tác giả thu được hơn 4,4 triệu nhân dân tệ, nếu tính thêm quyển 10 vừa được tung ra, con số này có thể đạt mức 5 triệu nhân dân tệ.
Mặc dù Mật mã Tây Tạng rất thành công nhưng tư liệu về tác giả của nó rất ít ỏi. Nhà văn Hà Mã chưa bao giờ tiếp xúc với báo chí dù là thông qua điện thoại, tất cả các bản thảo phỏng vấn đều do nhà xuất bản cung cấp hoặc phóng viên liên lạc bằng email. Mật mã Tây Tạng sau 3 năm ra mắt, độc giả chỉ biết Hà Mã vẫn còn rất trẻ, thuộc lứa tuổi 8X, sống ở Tứ Xuyên, hiện là một bác sĩ.
Trong bài phỏng vấn do nhà xuất bản Trùng Khánh cung cấp, Hà Mã cho biết, trước khi viết bộ sách này, qua lời kể của cha, ông biết ở Tây Tạng có một loài chó rất dũng mãnh gọi là Tạng Ngao. Ông lại rất muốn viết về chó mà phải là giống chó lợi hại nhất, do đó Hà Mã đã quyết định chọn Tạng Ngao làm đích đến cho chuyến thám hiểm của nhân vật chính Trác Mộc Cường Ba. Hà Mã chia sẻ, toàn bộ cốt truyện là hư cấu nhưng kiến văn về con người và văn hóa Tạng hoàn toàn dựa vào lịch sử và sách vở.
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu về Tạng Ngao, ông hiểu thêm về cuộc diệt Phật ở Tây Tạng vào Công nguyên năm 838, từ những biến chuyển lịch sử đó dẫn đến cuộc tranh giành kho báu Phật bị chôn giấu ngàn năm trên đất Tạng. Để viết được quyển sách mang tầm vóc sử thi như vậy, Hà Mã cho biết bản thân đã không ngừng đi, học và đọc. Ông từng một mình vượt qua hoang mạc Khả Khả Tây Lý và rừng nguyên sinh Tây Song Bản Nạp để tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Chính những tri thức và kinh nghiệm thực tế ấy đã giúp Hà Mã hoàn thành câu chuyện mang tầm vóc sử thi về đất Tạng, mở ra một cánh cửa mới để con người hiện đại hiểu hơn về vùng đất kỳ bí này.
Khi phóng viên Tân Hoa xã đề nghị trực tiếp phỏng vấn Hà Mã thông qua điện thoại thì phía nhà xuất bản từ chối với lý do trong đời sống thực tế rất ít bạn bè của Hà Mã biết ông là tác giả của Mật mã Tây Tạng, vì vậy tất cả đều chỉ có thể thông qua email liên lạc. Rốt cuộc Hà Mã là người như thế nào vẫn còn là bí ẩn với công chúng mặc dù bộ truyện của ông đã không ngừng làm chấn động văn đàn Trung Quốc
THÔI THÔI