Tổ chức Y tế thế giới cùng nhiều quốc gia và nhà khoa học nhận định, dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn, nên cách ứng xử hiệu quả nhất vẫn là “sống chung an toàn” với dịch bệnh. Do vậy, điểm sáng của Nghị quyết 128 chính là xác định đúng “chủ thể” quan trọng nhất trong cuộc chiến phòng chống dịch là người dân, doanh nghiệp. Chính quyền, cơ quan chuyên môn, lực lượng chức năng có trách nhiệm chăm lo “cái chung”.
Người dân cần các quy định rõ ràng về tiêu chuẩn an toàn, tiêu chí chuyên môn y tế, hệ thống khám điều trị bệnh hiệu quả. Họ cần được đảm bảo an ninh, an sinh xã hội, duy trì sản xuất, phân phối lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh tiêm vaccine để đạt độ che phủ miễn dịch cộng đồng… hơn là các “trói buộc hành chính”.
“Chiếc áo giáp” chống dịch nay “được may đo” phù hợp cho từng đối tượng, căn cứ vào từng cấp độ dịch bệnh: Xanh (cấp độ 1, bình thường mới), vàng (cấp độ 2, nguy cơ trung bình), cam (cấp độ 3, nguy cơ) và đỏ (cấp độ 4, nguy cơ rất cao). Mức độ nguy hiểm được tính toán dựa trên số ca mắc/dân số, khả năng y tế và tiêm vaccine của mỗi địa phương, là căn cứ khoa học và thực tiễn, dễ áp dụng.
Nghị quyết 128 cần sớm được áp dụng và thực thi kịp thời, phù hợp ở các địa phương. Quan sát thực tiễn những ngày qua cho thấy, việc cụ thể hóa nghị quyết của các tỉnh thành còn chậm. Vẫn còn tình trạng kiểm soát nghiêm ngặt việc đi lại và áp dụng các quy định không thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu. Dù các địa phương, các ngành đã khẳng định mở cửa, nhưng việc đi lại của người dân, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa của doanh nghiệp nhiều nơi vẫn ách tắc. Mạch máu của nền kinh tế còn tắc nghẽn lưu thông, sẽ khó vực dậy nền kinh tế những tháng cuối năm.
Phải thừa nhận sự cần thiết của việc cấm một số hoạt động kinh doanh nhạy cảm như karaoke, massage...; nhưng cấm cái gì, hạn chế như thế nào để không mất quyền “tự do kinh doanh”, còn quan trọng hơn. Vì vậy, luật cần tiếp tục nghiên cứu danh mục ngành nghề cấm, điều kiện hạn chế càng rõ ràng hơn là “các quy định tạm thời” để dễ thực hiện trong cuộc sống. Mọi quy định đẻ ra “giấy phép con”, điều kiện riêng của địa phương, suy cho cùng là sự lạm quyền cần được xử lý.
“Mục tiêu kép” cần được làm rõ bằng tiêu chí cụ thể hơn. Ở đó, các bộ ngành, địa phương nên chủ động rà soát, loại bỏ các quy định không phù hợp, tránh tâm lý “đẩy cấp độ dịch bệnh lên cao hơn để áp dụng quy định cứng”, nhằm đạt thành tích chống dịch an toàn mà gây khó cho người dân và doanh nghiệp, không đúng tinh thần Nghị quyết 128. Loại bỏ tình trạng cát cứ địa phương, mỗi nơi làm mỗi kiểu, gây ách tắc chung đến quá trình hồi phục kinh tế, đang là đòi hỏi bức thiết. Yêu cầu đó rất cần một tổ công tác của Thủ tướng có “gươm lệnh” để thực thi hiệu quả.