Những thứ làm người ta phân vân, đắn đo chuyện giữ lại hay bỏ đi, đó là mớ đồ lạc xoong. Có món đồ năm thì mười họa may ra dùng đến một lần, có món đồ sứt mẻ đủ đường nhưng không nỡ bỏ vì đó là kỷ niệm… Sách cũ cũng thế, người ta có thể đọc một quyển sách vài lần, nhưng lần hai, lần ba cốt yếu là tìm những kỷ niệm trong đó, chứ nội dung vẫn thế, đâu có gì thay đổi. Không đủ một kệ sách thì cũng vài cuốn, nhà nào ít nhiều cũng có những cuốn sách giấy ngả màu, bìa không vẹn, nội dung đã rõ… nhưng cứ nằm yên đó năm này tháng nọ.
Cuộc sống hiện đại có nhiều lựa chọn, chuyện tặng nhau một cuốn sách trở nên bình thường và người ta thích những gì “độc, lạ” chứ không phải dài dòng chữ nghĩa. Chuyện tặng sách chỉ còn phổ biến trong giới bạn văn, bạn thơ hay những người làm công việc liên quan đến viết lách, nghiên cứu độc lập… Người trẻ không mấy mặn mà chuyện tặng sách, và càng xa lạ với câu chuyện thưởng thức một cuốn sách hay, sách tết… Có lẽ nhịp sống đô thị quá nhanh làm người ta không đủ kiên nhẫn để chậm lại giữa những trang giấy cùng chữ nghĩa.
Ở thời của ba mẹ và cậu tôi, chuyện tặng nhau một cuốn sách được trân quý vô cùng. Quý không phải vì sách đắt hay rẻ, quý ở chỗ người mua phải quan tâm nhiều lắm để hiểu sở thích của người kia, đặng lựa sách mà tặng. Cũng không phải vì cái bìa bắt mắt hay mấy lời giới thiệu hấp dẫn mà người ta chọn cuốn sách đó, bỏ thời gian để đọc thấy hay thì mới mua tặng… Và tặng người khác cũng như tặng mình, vì lần nào cũng phải mua hai cuốn, đọc rồi thấy hay mới dám mang cuốn sách kia gói lại làm quà.
Cậu tôi hay kể, khi Internet còn chưa phổ biến, tặng nhau một cuốn sách thì sẽ có dịp ngồi và nói chuyện với nhau nhiều lần sau đó, để cùng bàn về nội dung trong sách. Còn bây giờ chỉ cần gõ tựa đề lên công cụ tìm kiếm trực tuyến, gần như một nửa nội dung sách đã được giới thiệu, người được tặng sách cũng bớt háo hức là vậy… Và ẩn sau những quyển sách tặng nhau là những lời mà người ta muốn nói với nhau nhưng ngại ngùng bày tỏ. Người yêu nhau thường mượn tiểu thuyết tình cảm, thơ tình lãng mạn để gửi đến “đối phương” và cả khi chia tay. “Cũng không có nói gì nhiều để đau lòng nhau, cổ tặng cậu cuốn sách mà kết chuyện hai nhân vật đi về hai phía. Từ đó, người ta im lặng luôn thì mình cũng hiểu, mượn lời trong sách chứ chẳng ai nặng nhẹ gì với ai”, cậu tôi kể.
Chuyện tặng sách tinh tế hay tinh ý cũng không còn thịnh trong giới trẻ đương thời, bởi sự tinh ý đó rất đơn giản, thần tượng ra mắt sách thì họ mua và tặng nhau. Tặng nhau vì cái bìa có hình thần tượng, vì một CD ca nhạc đi kèm với sách, vì vài câu nói được cộng đồng fan cho là hay, còn nội dung có viết gì cũng không quá quan trọng.
Và người ta hay đùa, đường sách là nơi có rất nhiều sách nhưng khách đến đó để chụp hình, nghe vui một chút mà buồn tới mấy chút. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước có không gian đường sách, nhưng hoạt động duy trì hiệu quả thì không nhiều. Ngồi ở Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) không quá 15 phút, dễ dàng bắt gặp đủ kiểu chụp hình, từ mấy bạn trẻ đăm chiêu bên kệ sách đến các cặp cô dâu - chú rể tay cầm sách, còn mắt nhìn nhau… Người ta đến với sách chẳng phải vì yêu mến văn chương hay chữ nghĩa, đó mới là chuyện đáng ngẫm.
Hội sách nào cũng đông khách, có quầy giảm giá mạnh tới 70%, người ta xếp hàng để vào mua, ai cũng tay xách nách mang cả mớ sách khi ra về. Nhiều lần đến các hội sách, tôi cũng tự hỏi, liệu số sách kia người ta có đọc hết; và nếu người ta thật lòng yêu mến sách thì bất cứ lúc nào cũng có thể mua chứ đợi chi đến giảm giá rồi xếp hàng?