Gửi quê lên phố

Nhà có gì gửi nấy, rồi mua thêm xung quanh chòm xóm, ra chợ quê gom ít trái cây, vài con gà, vịt, tôm cá từ khô đến tươi và cũng không thể thiếu đặc sản ở những vùng quê. Chưa khi nào, quà quê lên phố lại rộn ràng như những ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. 

Đang sống ở quận Bình Tân, chị Ngọc Yến liên tiếp nhận được đồ tiếp tế từ cả hai gia đình nhà nội (quê Nghệ An) và nhà ngoại (Tiền Giang) gửi. Nếu ông bà ngoại là cơ man các loại rau, trái: mít, bưởi, chuối, thơm, rau muống, khổ qua, cà tím... thì nhà nội, do khoảng cách xa xôi nên chọn các loại thực phẩm khô: đậu phộng, cá khô, bánh đa và không quên cả món cu đơ nổi tiếng. 

Thậm chí, biết con gái thích ăn mắm kho nên khi “tiếp tế”, ông bà ngoại gửi đủ các nguyên liệu để làm một nồi mắm kho, từ mắm cá linh, bắp chuối, rau muống, bông súng cho đến đậu que, khổ qua, đu đủ; đa phần hái được từ vườn nhà.

Chị xúc động chia sẻ: “Nhìn từng món đồ, nghĩ đến cảnh cha mẹ già tỉ mẩn, cẩn thận gói ghém cho con, cho cháu, bỗng thấy xúc động, yêu thương”. Khi các tỉnh, thành phía Nam cùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình vận chuyển khó khăn hơn nên bố mẹ chị mới bớt gửi đồ cho con cái. 

Gửi quê lên phố ảnh 1 Những món quà quê đáng quý trong mùa dịch bệnh hiện nay. Ảnh: NGỌC YẾN

Biết bao nhiêu chuyến hàng được đóng gói cẩn thận không chỉ chở các nhu yếu phẩm tiếp tế mà còn gói ghém cả quê hương, chở nặng yêu thương như thế đã được gửi về TPHCM. Nhiều gia đình con cái đều lên TPHCM lập nghiệp hết, cũng là từng đó thùng hàng được đóng gói riêng, chia đều cho mỗi người; rồi anh chị em gửi cho nhau; bạn bè đồng môn, đồng nghiệp có khi đóng cả chục thùng hàng lớn chuyển về thành phố.  

Ai cũng nói chuyến này là chuyến cuối, nhưng xe vận chuyển liên tỉnh còn được chạy là những chuyến hàng vẫn cứ được tiếp tế đều đặn. Vui vì… cực. Cả người gửi và nhận đều thấp thỏm, có khi gọi cả chục cuộc hỏi nhận hàng chưa, có bị hư gì không. Ai cũng hiểu, trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, việc gửi đồ khó khăn hơn.

Việc đến trễ, đôi khi thất lạc hàng hóa xảy ra không hiếm. Người gửi đôi khi tiếc của thì ít, tiếc công phần nhiều, lại tiếc hơn vì đồ ăn có khi đã hư hại, bỏ đi thì uổng, nhất là trong giai đoạn này. Vậy nên, lại tiếp tục đóng gói, tìm mối gửi hàng mới an tâm hơn. Bao giờ hàng đến tay người nhận tươi ngon, mới an lòng. 

Niềm vui nhận đồ tiếp tế ngay lập tức được lan tỏa trong những bài viết chia sẻ đầy yêu thương trên Facebook. Mùi đất đỏ còn dính trong những loại củ quả, hương vị của những món ăn từ các đặc sản ở quê luôn khác biệt. Bởi, nó còn được gói ghém trong đó cái tình của người gửi và sự trân quý của người nhận

Không những thế, nhiều người nhận được hàng còn chia sẻ cho bạn bè, hàng xóm mỗi người một ít… ăn lấy thảo. Nhiều người độc thân được bạn bè gửi tặng, nhường phần “tiếp tế” của mình cho gia đình bạn bè khác có nhiều nhân khẩu hơn để cải thiện bữa ăn trong mùa dịch. Cái tình vì vậy càng được lan tỏa nhiều hơn. 

Những ngày bình thường, quà quê về phố đã là xa xỉ, bởi trong từng nếp nghĩ, nếp nhà, ai cũng muốn hướng đến thực phẩm xanh, sạch. Nay, trong giai đoạn khó khăn, những thứ quà ấy càng trở nên đáng quý. Gói trong những thùng đồ được gửi đi chính là những món đồ quê ngon nhất. Và, càng đáng quý hơn khi nó được gửi đến thật đúng lúc, để mỗi bữa cơm thêm đầy đặn, yêu thương.

Tin cùng chuyên mục