Đó là một số nội dung kết luận tại cuộc họp của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến với Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) vào chiều 14-11.
Liên quan đến những khó khăn trong thủ tục đầu tư, ngoài những kiến nghị tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, kiến nghị TPHCM sớm phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở để các sở ngành có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của doanh nghiệp; điều chỉnh cách tính giá trị suất đầu tư xây dựng chung cư cao tầng của thành phố hiện đang thấp hơn khoảng 10% - 15% so với suất đầu tư theo quy định của Bộ Xây dựng; điều chỉnh cách tính hệ số sử dụng diện tích sàn kinh doanh căn hộ của hội đồng thẩm định giá đất TPHCM hiện nay là khoảng 80% tổng diện tích sàn xây dựng, trong lúc thực tế hệ số sử dụng diện tích sàn kinh doanh căn hộ tùy theo chung cư cao cấp, trung cấp hoặc bình dân chỉ vào khoảng 60% - 75% tổng diện tích sàn. Ngoài ra cần xem việc chuyển nhượng dự án trong quá trình đầu tư là một hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Horea còn kiến nghị thêm một số vấn đề, như đề xuất chia nhỏ việc đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu tái định cư Thủ Thiêm thành nhiều gói, thậm chí là từng căn hộ để người có nhu cầu thật có thể tiếp cận. Đối với dự án “trạm ép rác kín” tại khu tái định cư 38ha thuộc phường Tân Thới Nhất (quận 12), Horea cũng kiến nghị TP chỉ đạo UBND quận 12 xem xét di chuyển sang khu công viên 3,6ha (thuộc khu 38ha) sẽ hợp lý hơn vì xa khu dân cư, có cây xanh cách ly.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến kết luận, những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh, những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP sẽ giải quyết ngay. Cụ thể, về khó khăn “để được công nhận chủ đầu tư dự án” doanh nghiệp phải có 100% đất ở hợp pháp. TPHCM sẽ phân loại ra các loại “đất” như, dự án đã có 100% “đất ở” mà do doanh nghiệp đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thì Sở Xây dựng sẽ thụ lý, xem xét công nhận chủ đầu tư cho doanh nghiệp; các dự án chưa phải là 100% “đất ở” thì Sở KH-ĐT sẽ thụ lý xem xét công nhận chủ đầu tư. Nếu dự án thực hiện bằng ngân sách nhà nước thì thực hiện theo quy định đầu tư công.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, theo hướng tháo gỡ của Chính phủ, trong thời gian tới sẽ không sử dụng “đất ở” để xem xét việc chấp thuận chủ đầu tư dự án cho doanh nghiệp mà chỉ dùng từ “đất” như kiến nghị của Horea trước đó. Việc chấp thuận chủ đầu tư được căn cứ vào các điều kiện như quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất, dân số, năng lực doanh nghiệp…
Ông Lê Hoàng Châu cho biết, Horea và các doanh nghiệp bất động sản rất hoan nghênh và đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo thực hiện quy định này để tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng của các dự án bồi thường dở dang, “da báo” hiện nay, trước hết là đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng được từ 80% diện tích trở lên.
Về những phản ánh của các doanh nghiệp bị “làm khó” trong quá trình làm thủ tục, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các doanh nghiệp phản ánh trực tiếp với lãnh đạo Horea để báo cáo với TP. Ngoài ra, TP sẽ xem xét đề xuất mở rộng đối tượng vay mua nhà ở xã hội, đẩy nhanh công tác thẩm định giá đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhưng phải chặt chẽ, đúng pháp luật, chấn chỉnh tình trạng danh xưng “chung cư cao cấp”; đề nghị Horea lập danh sách những dự án nhà ở đầu tư đúng quy định, bàn giao nhà cho dân nhưng chậm được cấp giấy chứng nhận để TP giải quyết ngay.