Khi nào đi nhà trẻ?
Tâm sự của chị Quyến (quận 12, TPHCM) không khó để bắt gặp trong xã hội hiện nay. Khi bé gái đầu lòng được 18 tháng, chị tính gửi con đi nhà trẻ để trở lại với công việc. “Ban đầu, nhìn khuôn mặt vui vẻ của con mỗi sáng, tôi nghĩ chắc việc đi nhà trẻ không khó khăn”, chị bắt đầu câu chuyện. Thế nhưng, mọi suy nghĩ của chị hoàn toàn ngược lại.
Thời gian đầu, chị cũng chỉ thử cho con đi nhà trẻ nửa buổi. Tuần đầu tiên, mọi chuyện diễn ra êm thấm khi bé có thêm bạn mới, nhiều đồ chơi và các cô chăm sóc. Nhưng từ tuần thứ 2, mỗi buổi sáng chuẩn bị cho con đi học là “cực hình”. Có hôm, chuẩn bị cho con xong xuôi, bé khóc ngằn ngặt. Nhiều hôm đến lớp chưa được bao lâu, cô gọi điện báo con khóc cả tiếng không nín, rồi ho, cảm, sốt.
Câu chuyện của chị Linh (quận Gò Vấp, TPHCM) hoàn toàn ngược lại. Cũng là con gái đầu lòng, gần 2 tuổi chị bắt đầu tìm trường cho con. Chị lo lắng không biết con mình có chịu đi nhà trẻ, vì bé ở nhà rất bám mẹ. Hầu hết việc ăn uống, sinh hoạt của con, chị đều lo từ nhỏ nên bé đã quen có mẹ bên cạnh.
Ngày đầu đến lớp, “trộm vía”, con ngoan vì có nhiều bạn mới, lại có không gian lớn với nhiều đồ chơi đẹp. Chị chỉ mất tuần đầu tiên cho bé học nửa buổi, sau đó cứ thế con đi học cả ngày. “Tôi bất ngờ vì mỗi sáng khi ngủ dậy là bé đòi đi học. Con tự chuẩn bị quần áo, mẹ phụ giúp vệ sinh cá nhân rồi đến lớp. Buổi chiều khi tan trường, mẹ đến đón, nhiều khi bé còn trốn để được ở lại chơi thêm. Các cô cũng bất ngờ vì con hòa nhập rất nhanh”, chị Linh kể.
Hiện nay, nhiều gia đình thường chọn gửi con đến lớp sớm thay vì “cháu lên 3 cháu đi mẫu giáo”. Phần vì gia đình không có ông bà hay người thân giúp trông bé, trong khi thuê người giúp việc không đủ tin tưởng và cả gánh nặng tài chính. Chị Yến (quận Tân Bình, TPHCM) gửi 2 bé (bé nhỏ mới 6 tháng tuổi), khi bắt đầu đi làm trở lại.
“Gửi con khi còn nhỏ thực ra có cái lợi là bé chưa biết theo mẹ, chưa đòi về. Nếu cô thương yêu con thì sẽ ổn. Nhưng ngày đầu tiên đưa con đi học, con không khóc mà mẹ khóc”, chị Yến nói.
Theo chị Yến, cho con đi học khi còn nhỏ phải chấp nhận chuyện bé sẽ ốm, sốt. Mà thực ra tuổi nào đi học ban đầu cũng ốm sốt. Đó là điều đương nhiên để bé thích nghi với môi trường bên ngoài. Quan trọng là cảm nhận sự chăm sóc của các cô với con. Mỗi ngày con về, khi con chưa biết nói thì kiểm tra người con; khi con biết nói thì hỏi chuyện, để tìm hiểu hôm nay con mình có ổn không…
Làm sao tốt nhất cho con
Cha mẹ nào cũng muốn con được chăm sóc, yêu thương. Do đó, việc chọn thời điểm để bé đi nhà trẻ luôn được bàn bạc, thảo luận kỹ lưỡng. Đối với những người như chị Yến, việc cho 2 bé đi nhà trẻ khi một bé dưới 1 tuổi là lựa chọn bắt buộc.
Trong khi đó, với chị Quyến hay chị Linh chấp nhận hy sinh công việc để có thời gian ở nhà với con nhiều hơn và chỉ sẵn sàng cho bé rời vòng tay mẹ khi đã đủ cứng cáp: biết đi và biết nói. Do đó, trả lời cho câu hỏi, khi nào cho bé đi nhà trẻ, phụ thuộc vào hoàn cảnh từng gia đình, sự nhận biết và khả năng hòa nhập của bé. Bé rất cần thời gian làm quen, thích nghi với môi trường mới, nhất là với những bé ở nhà với cha mẹ quá lâu.
Tuy nhiên, sự chuẩn bị cho bé trước khi đến lớp luôn rất quan trọng. Theo chị Linh, do bé chậm nói hơn so với các bạn cùng lứa, sợ con lạ môi trường nên chị tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định gửi con. Do thay đổi chỗ ở, sau đó chị phải chọn trường mới cho con, nhưng đến lớp, bé không chịu ăn, không chơi với các bạn. Phương án cuối cùng là chị phải đưa con về lại lớp cũ, dù việc đưa đón có phần bất tiện. Tuy nhiên, nhìn thấy bé vui vẻ trở lại là điều khiến chị an tâm hơn cả.
Với chị Yến, việc quan trọng đầu tiên là chọn trường. Tùy theo điều kiện và quan điểm của từng gia đình để chọn trường. Tôi chọn trường tư cho con vì trường nhận giữ bé tới 17 giờ chiều và nhận cả thứ bảy. Nhờ một người quen giới thiệu nên tôi tin tưởng”.
Ngoài ra, việc làm thế nào để bé hòa nhập với môi trường mới, cần có sự phối hợp giữa gia đình và cơ sở trông giữ trẻ. Với những bé như con chị Quyến, điều này càng quan trọng hơn.
“Tôi đã tính đến việc đổi trường cho con vì nghĩ biết đâu thay đổi môi trường mới bé sẽ thích. Cha của bé xót con còn nghĩ, hay cho bé ở nhà thêm một thời gian. Nhưng rồi, tôi trao đổi với các cô để có phương pháp thích hợp cho bé hòa nhập với trường. Rất may, sau 2 tháng, bé không còn khóc, đòi về và đã chịu chơi với các bạn khác trong lớp”, chị Quyến vui vẻ chia sẻ.
Cho con đi học sớm hay muộn, không chỉ tùy thuộc vào trẻ mà còn tùy thuộc vào người lớn, nhưng nếu biết điều chỉnh thói quen của con và của chính bản thân, trẻ sẽ được thoải mái và cha mẹ cũng yên tâm phần nào.