GS-TSKH Tô Ngọc Thanh - Cây đại thụ trong rừng văn hóa dân gian ngã xuống

Những ngày vừa qua, hội viên Hội Văn nghệ dân gian ở các tỉnh từ Tây Bắc tới Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây Nguyên... đã cùng hẹn nhau tại Hà Nội sáng 6-5 để tiễn biệt GS-TSKH Tô Ngọc Thanh. Tuổi cao, sức yếu, bạo bệnh đã đưa thầy rời cõi tạm, nhưng ngọn lửa nhiệt thành của một người cả đời tận hiến cho văn hóa dân gian của thầy sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho hậu bối.

Một đời miệt mài tự học

Sinh thời, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh luôn tự nhận mình là người tự học. Suốt cuộc đời từ khi là sinh viên đến lứa tuổi U90, ông vẫn đam mê học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn. Nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh tại một cuộc hội thảo của Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật năm 1982, khi diễn giả đang “mải mê” nói về một vấn đề xa vời thì GS Tô Ngọc Thanh, khi ấy đang là trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm của Viện Văn hóa, đã lẳng lặng ra một góc phòng, giở sách tiếng Nga mải mê đọc.

F6a.jpg
GS-TSKH Tô Ngọc Thanh. Ảnh: BÙI TRỌNG HIỀN

Biết tôi từ Hoàng Liên Sơn xa xôi về dự hội thảo, ông tâm sự: “Mình chuẩn bị đi Bulgaria làm nghiên cứu sinh nên phải đọc nhiều tài liệu. Mình cũng ở Tây Bắc về, mình khuyên cậu muốn làm khoa học thì phải tự học”. Sự tự học đã giúp ông làm nghiên cứu sinh ở một nước Đông Âu khác xa Việt Nam nhưng lại gặt hái thành công, và đóng góp vào thành công nổi bật đó là nhờ sự am hiểu tiếng Nga, tiếng Bulgaria và tiếng Pháp. Chính từ sự am hiểu đó, ông có thể tận dụng được kho tài liệu tham khảo cực kỳ phong phú bằng tiếng Nga, tiếng Pháp, từ đó vận dụng vào tình hình thực tế văn hóa, văn nghệ dân gian vùng Tây Bắc nước ta, đưa ra các luận điểm bảo tồn, phát triển đầy khoa học.

Không chỉ chăm chỉ nghiên cứu tài liệu mang tính học thuật, ông còn là người đam mê điền dã. Dấu chân của ông còn in đậm “Thập Châu” của người Thái Tây Bắc. Các chuyến điền dã đã đưa ông đến với tiếng Thái. Ông không chỉ thạo tiếng Thái Đen mà còn am hiểu cả tiếng Thái Trắng, tiếng Thái Phù Yên… Ông học tiếng Thái, rồi học luôn âm nhạc Thái từ các nghệ nhân, thầy cúng và cả những em gái trong các đội xòe. Nhờ biết tiếng Thái, hát dân ca Thái nên ông sưu tầm được kho tư liệu vô cùng phong phú về văn hóa của người Thái.

Khi đã bước vào tuổi U90, ông vẫn chia sẻ mong muốn được đi xuyên vùng 6 tỉnh Tây Bắc. Nhưng rồi những cơn đau chân, đau khớp đã ngăn cản ông về với Tây Bắc, nơi ông vẫn tự nhận là quê hương thứ hai. Ông đành biến nỗi nhớ Tây Bắc thành những bài giảng trong các lớp tập huấn.

Người truyền lửa

Không chỉ tự học hỏi, tự trang bị cho mình kiến thức về văn hóa dân gian, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh còn lan tỏa tình yêu nghiên cứu, gìn giữ và trao truyền văn hóa dân gian đến nhiều thế hệ.

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thành lập từ năm 1966, nhưng do nhiều nhận thức chưa phù hợp, số phận của hội cũng ba chìm bảy nổi. Thậm chí có một thời gian dài, hội luôn đứng trước nguy cơ giải thể. Phải tới kỳ Đại hội II tổ chức cuối năm 1989, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh được bầu làm Tổng Thư ký của hội, khi ấy các hoạt động của hội mới có những bước ngoặt quan trọng. Ông cùng ban chấp hành đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển hội viên, thành lập chi hội ở các địa phương, điều lệ hội cũng được sửa đổi, hiệu chỉnh nhằm khơi dậy và thổi bùng ngọn lửa đam mê yêu quý di sản văn hóa truyền thống.

Chỉ trong một nhiệm kỳ, số hội viên từ hơn 100 người đã nâng lên 523 với nhiều thành viên là người dân tộc thiểu số như Êđê, Gia Rai, Ba Na, Hrê, Thái, Tày, Nùng, Mường, H’Mông, Dao, Giáy, Xinh Mun, Cao Lan… Cũng trong thời gian ông đảm nhận cương vị lãnh đạo, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều sáng kiến làm hồi sinh, phát triển vốn văn hóa dân gian của dân tộc.

“Với cả ngàn học trò trên cả nước, GS Tô Ngọc Thanh là người thầy lớn của ngành nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam. Bởi không chỉ truyền dạy tri thức, kỹ năng làm nghề, ông còn trao truyền cả khát vọng tìm kiếm, bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian cho các thế hệ tiếp nối. Những nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, văn hóa dân gian Việt Nam thế hệ sau ông ít nhiều đều lĩnh hội, thụ hưởng kiến thức từ GS Tô Ngọc Thanh - một cây đại thụ lớn của nền khoa học xã hội Việt Nam hiện đại”, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền viết.

Cả cuộc đời GS-TSKH Tô Ngọc Thanh gắn bó với công việc nghiên cứu về văn hóa dân gian. Ông đã cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu như: Âm nhạc dân gian Thái Tây Bắc (1969), Âm nhạc dân gian Mường (1971); Âm nhạc dân gian nhóm tộc người Nam Á ở Việt Nam (1979); Tìm hiểu âm nhạc cổ truyền, viết chung với nhạc sĩ Hồng Thao (1982); Fonclo Bahna do ông chủ biên (1988), Nhạc cụ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1995), Ghi chép về văn hóa và âm nhạc - công trình đồ sộ, dày hơn 900 trang…

Tin cùng chuyên mục