Nhắc đến GS-TS Trần Văn Khê, thế giới biết ông là một đại thụ, một bậc trưởng bối của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông cũng là người đã dành tâm huyết cả đời cho âm nhạc dân tộc, người đã đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam đến với thế giới. Sau thời gian dài kiên trì chống chọi bệnh tật, GS-TS Trần Văn Khê đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 94. Vẫn biết rồi ai cũng trở về với đất mẹ, nhưng tin ông ra đi đã khiến hàng triệu trái tim thổn thức.
Tấm lòng với quê hương
Gần một tháng qua, tin GS-TS Trần Văn Khê trở bệnh nặng phải nhập viện điều trị đã thu hút sự quan tâm của giới nghệ thuật, những người hâm mộ âm nhạc truyền thống cùng hàng triệu công chúng trong nước và quốc tế. Ai cũng cầu mong ông có thể vượt qua lần thử thách này, thế nhưng…
GS-TS Trần Văn Khê trong một buổi trình diễn với con trai, GS-TS Trần Quang Hải
Có 50 năm học tập và làm việc ở nước ngoài, nhưng GS-TS Trần Văn Khê không lúc nào thôi hướng về quê hương đất nước, vẫn luôn đau đáu với văn hóa truyền thống nước nhà. Ngay khi trở về Việt Nam, hầu như ông không cho phép mình nghỉ ngơi với hàng loạt công việc còn dang dở. Từ năm 2010, 2011, tháng nào cũng vậy, những người yêu thích âm nhạc truyền thống và giới mộ điệu lại gặp nhau tại nhà ông ở quận Bình Thạnh, TPHCM, để tham gia sinh hoạt các chuyên đề âm nhạc dân tộc. Để thu hút các bạn trẻ đến với âm nhạc truyền thống, ông chọn cách trình bày từng chủ đề một, rõ ràng và mạch lạc, từ dễ đến khó, từ cơ bản đến chuyên sâu. Tôi nhớ rõ, tuy phải ngồi xe lăn nhưng trông ông còn khỏe lắm. Có những hôm sinh hoạt gặp trời mưa to, nhìn khán giả đến dự ướt loi ngoi, ông xúc động muốn rơi nước mắt. Hầu hết các chuyên đề diễn ra buổi tối, thường kết thúc chừng 22 giờ, nhưng có hôm ông nói say sưa đến gần 23 giờ không nghỉ. Mãi đến khi nhóm thân hữu nhắc nhở, ông mới chịu tạm dừng.
|
Hai năm sau, người ta thấy các hoạt động này vẫn diễn ra đều đặn, thậm chí còn nhiều hơn. Không chỉ kiên trì tổ chức các chương trình giới thiệu, khơi lửa tình yêu âm nhạc truyền thống cho các bạn trẻ tại nhà riêng, ông còn dành nhiều thời gian cho các hội thảo khoa học về đờn ca tài tử trong nước và quốc tế, liên hoan, cuộc thi, nhạc hội đờn ca tài tử tại TPHCM và hầu khắp các tỉnh thành cả nước. Nói về âm nhạc cổ truyền, về văn hóa truyền thống ông như không biết mệt, nhưng ít ai biết hằng ngày ông vẫn phải chống chọi nhiều bệnh tật, với nhiều loại thuốc men và thiết bị y tế. Riêng điều này ông thường không muốn cho người khác biết.
Tâm huyết cả đời cho âm nhạc dân tộc
Bắt đầu từ năm 2011, khi Chính phủ quyết định lập hồ sơ quốc gia về Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), lịch làm việc của GS-TS Trần Văn Khê lại càng đặc kín. Bởi hơn ai hết, ông luôn tâm niệm trân trọng di sản văn hóa của cha ông, bảo tồn văn hóa truyền thống và âm nhạc dân tộc là trách nhiệm của những người đi sau. “Dù đờn ca tài tử Nam bộ có được UNESCO công nhận hay chưa thì chúng ta vẫn có trách nhiệm phải bảo tồn cho bằng được loại hình nghệ thuật truyền thống, trân trọng di sản của cha ông. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là làm sao để đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, phải giáo dục cho các cháu những kiến thức cơ bản ngay ở bậc tiểu học. Ở các nước phát triển, người ta rất chú trọng đầu tư cho việc này”. Ông mang nhiều chứng bệnh trong người, bởi căn bệnh tiểu đường nặng đã di chứng và dẫn đến các bệnh về tim, thận, phổi. Sức khỏe không cho phép, ông phải làm việc trên xe lăn nhưng hầu như người ta chưa bao giờ thấy ông mệt mỏi. Những chuyên đề ông giới thiệu đến công chúng ngày càng phong phú hơn, từ đờn ca tài tử đến cải lương Nam bộ, các bài bản tổ của tài tử, nhạc lễ Nam bộ, nghệ thuật ca ra bộ, nghệ thuật tuồng cổ… đến nghệ thuật trống, ca trù...
GS-TS Trần Văn Khê trong một buổi sinh hoạt âm nhạc truyền thống tại nhà riêng
Một cánh én không làm nên mùa xuân, tôi đã được nghe rất nhiều lần câu ấy mỗi khi GS-TS Trần Văn Khê nói về việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong đó có âm nhạc dân tộc. Đến hôm nay, di sản nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Gần đây nhất, đề án “Đưa âm nhạc dân tộc đến học đường” cũng đã được TPHCM thể nghiệm thực hiện tại một số trường học trên địa bàn. Và hơn hết, phong trào đờn ca tài tử tại TPHCM và các tỉnh thành Nam bộ ngày một phát triển mạnh mẽ về chất và lượng… giúp những người yêu âm nhạc truyền thống có một cái nhìn lạc quan và tự tin hơn với tương lai trong công cuộc bảo tồn văn hóa dân tộc, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống. Và có điều, như một lẽ đương nhiên khi nhắc đến những thành tựu này, chúng ta không thể không nhắc đến tên Trần Văn Khê, người đã kiến tạo nền móng, góp từng viên gạch để căn nhà âm nhạc truyền thống ngày càng vững chãi!*
GS-TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, lên 6 tuổi ông đã biết đàn kìm, 8 tuổi biết đàn cò, 12 tuổi biết chơi đàn tranh và đánh trống nhạc. Sau khi sang Pháp du học năm 1949, ông là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ khoa Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án Âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sau đó, ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Sorbonne (Pháp). Ông là thành viên Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về khoa học, văn chương và nghệ thuật cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế và là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO. |
MINH AN