PGS-TS NGUYỄN THIỆN TỐNG, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM): Người thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học
Từ khi GS-TS Trần Hồng Quân làm Trưởng khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), ông đã yêu cầu phải đổi mới chương trình đào tạo về ngành cơ khí. Sau đó, chương trình này được nhiều trường ĐH đánh giá cao. Đây cũng là đóng góp rất lớn của thầy trong nền tảng khoa học cơ khí. Đến khi giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM, GS-TS Trần Hồng Quân đã đặt hàng chúng tôi xây dựng chương trình kỹ sư hàng không. Mặc dù thời điểm đó vì một số lý do không thể thực hiện nhưng đã cho thấy tầm nhìn xa của thầy về một ngành học phát triển trong tương lai. 15 năm sau, năm 1995, chúng tôi mới xây dựng được chương trình hàng không và năm 1996 mở đồng loạt cùng với ĐH Bách khoa Hà Nội. GS-TS Trần Hồng Quân cũng là người khởi xướng để mở ra hệ thống các trường ĐH ngoài công lập khi thầy ở vị trí Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Chính sách mở ĐH tư đã thúc đẩy giáo dục ĐH phát triển, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
GS-TS Trần Hồng Quân còn có ý tưởng táo bạo, có thể nói là chấn động, khi đưa ra chính sách bầu cử hiệu trưởng ở tất cả trường ĐH vào năm 1989. Những hiệu trưởng được bầu vào thời điểm đó đều rất xuất sắc trong chuyên môn và quản trị. Chính họ đã làm thay đổi và phát triển môi trường giáo dục ĐH.
PGS-TS NGUYỄN ĐÌNH TỨ, Chánh Văn phòng ĐH Quốc gia TPHCM: Đặt nền móng cho ĐH Quốc gia
Ý tưởng thành lập các ĐH quốc gia Việt Nam không phải là phát kiến của một cá nhân mà đến từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Nhưng để hiện thực hóa ý tưởng thì cần phải có những lãnh đạo có tầm nhìn, tâm huyết và quyết tâm thay đổi đến cùng.
Việc ra đời 2 ĐH Quốc gia: ĐH Quốc gia Hà Nội (10-12-1993) và ĐH Quốc gia TPHCM (27-1-1995) gắn liền với tên tuổi của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng người ít được nhắc tới là GS-TS Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giai đoạn 1990-1997 (giai đoạn thành lập 2 ĐH Quốc gia). Thầy là người được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi, thảo luận ý tưởng và tham gia thành lập 2 ĐH Quốc gia; cũng là thành viên trong nhóm 3 người được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao rà soát lại mô hình ĐH Quốc gia khi mô hình giai đoạn ban đầu hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
Với quyết tâm xây dựng mô hình ĐH trọng điểm có quyền tự chủ cao, đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thầy cùng nhóm công tác đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tổ chức lại 2 ĐH Quốc gia với những quyền tự chủ được xem là vượt trội giai đoạn đó. Sau này, tuy không trực tiếp tham gia lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhưng bằng uy tín và sự quyết tâm của mình, thầy đã tham gia kiến nghị Quốc hội bổ sung 1 điều quan trọng về ĐH Quốc gia trong Luật Giáo dục ĐH năm 2012 (Điều 8). “ĐH Quốc gia là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển. ĐH Quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy…”. Lần đầu tiên, ĐH Quốc gia được chính danh trong Luật Giáo dục đại học.
Năng lượng và sự góp sức của thầy cho giáo dục ĐH nói chung và ĐH Quốc gia nói riêng vẫn tiếp tục duy trì và có những kết quả tích cực khi mà cho dù lớn tuổi, thầy vẫn đảm đương vị trí Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam và là thành viên Hội đồng đại học ĐH Quốc gia TPHCM. Có thể nói, sự tự chủ của các trường ĐH, cao đẳng hiện nay cũng như sự phát triển vượt bậc của 2 ĐH Quốc gia đều có dấu ấn đóng góp của thầy.
Nhiều sinh viên đến viếng tang GS-TS Trần Hồng Quân
Ngày 28-8, lễ viếng GS-TS Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM) tiếp tục diễn ra. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa đến viếng.
Trong ngày viếng tang thứ hai, lãnh đạo nhiều bộ, ban ngành, cơ quan, đơn vị, sinh viên các trường đại học, người thân, bạn bè tại TPHCM và các địa phương đã đến tiễn biệt GS-TS Trần Hồng Quân - người thầy lớn của giáo dục Việt Nam.
Vào lúc 9 giờ hôm nay 29-8 sẽ diễn ra lễ truy điệu đồng chí Trần Hồng Quân. Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang TPHCM (TP Thủ Đức, TPHCM).
THẢO LÊ
41 năm vẫn học chuyện “quản lý giáo dục” của thầy
Khi tôi học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), thầy Trần Hồng Quân đang làm hiệu trưởng. Đến khi tôi ra trường, ở lại công tác tại trường thì may mắn được giúp việc cho một hội nghị mà thầy chủ trì có tên “Hội nghị Thanh Đa”. Nội dung của buổi hội nghị được thầy Trần Hồng Quân nêu ra để chuẩn bị là phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo của Trường ĐH Bách khoa. Vấn đề hóc búa nhất thầy đặt ra đó là phát triển Chương trình đào tạo của trường theo hướng hẹp - rộng hay rộng vừa.
Đã 41 năm qua nhưng những nội dung, những luận điểm của thầy Trần Hồng Quân và các thầy cô trình bày tại hội nghị hôm ấy tôi vẫn nhớ rõ. Lúc ấy, thầy Trần Hồng Quân đặt vấn đề mà đến bây giờ vẫn còn mới, đó là người kỹ sư có cần phải học quản lý hay không? Nếu có thì nội hàm phải như thế nào? Thầy nêu vấn đề để các thầy cô cùng bàn thảo và ngay sau đó thầy “đặt hàng” diễn giả trình bày về chuyên đề “Khoa học quản lý”: Thế nào là quản, thế nào là lý, cần những kiến thức gì để quản lý. Tiếp đó thầy nêu nhiều vấn đề như: Chương trình hẹp nên đánh giá như thế nào; trường mở rộng tuyển sinh như thế nào để tạo nhiều cơ hội cho người học được tiếp cận giáo dục đại học.
Sau hội nghị ấy, thầy Trần Hồng Quân được điều động ra Bộ GD-ĐT và người kế nhiệm thầy là PGS-TS Huỳnh Văn Hoàng (1982-1989) đã tổ chức triển khai những nội dung đã đặt ra tại hội nghị ấy.
Từ khi thầy Trần Hồng Quân ra công tác ở Bộ GD-ĐT, tôi ít có dịp được gặp lại thầy. Đến khi thầy thôi làm quản lý ở Bộ GD-ĐT, về làm việc tại Ban Dân vận Trung ương tôi cũng ít tiếp xúc với thầy. Đến khi thầy thôi là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng Việt Nam và làm cố vấn cho ĐH Quốc gia TPHCM còn tôi là Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế, tôi lại có dịp được gặp nhiều hơn để tâm sự, lĩnh hội các ý tưởng của thầy.
Thầy Trần Hồng Quân có tầm nhìn và kiến thức uyên thâm, suốt đời luôn đau đáu với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Những ý kiến, đóng góp của thầy lúc nào cũng nhẹ nhàng, chậm rãi, từ tốn nhưng lại rất cô đọng, có hệ thống, luôn chặt chẽ và rất khó phản bác.
Khi về làm Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM), tôi luôn áp dụng những quan điểm của thầy về giáo dục đại học. Đó là giáo dục đại học phải có tính mở, tạo điều kiện để nhiều người tiếp cận đại học. Nhưng quan trọng nhất là giáo dục đại học phải mang tính dẫn dắt và phụng sự.
Đối với thầy Trần Hồng Quân, là học trò, tôi luôn tâm niệm làm được những gì mà thầy đã đặt ra. Giờ thầy đi xa, là mất mát rất lớn với giáo dục nước nhà!
PGS-TS HỒ THANH PHONG
Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM)