Cuốn tản văn "Mai rồi mưa tạnh trong xuân" của tác giả Thái Kim Lan vừa ra mắt tại Hà Nội là đối thoại của chính tác giả trong phạm trù triết học.
PHÓNG VIÊN: Mọi người thường quan niệm triết học thì cứng nhắc và khô khan, nhưng văn chương của Thái Kim Lan lại nhẹ nhàng, thi vị đầy cảm xúc. Phải chăng con người văn chương và con người triết học đang tồn tại một cách độc lập trong bà?
Tiến sĩ THÁI KIM LAN: Tôi không nghĩ triết học là khô khan. Tôi đã chọn triết học vì yêu chứ không nghĩ đến mục đích thực dụng. Tôi nghĩ rằng, phương pháp triết học giúp chúng ta đạt được cái nhìn thấu đáo về kỹ năng “người”, điều kiện hiện sinh, trách nhiệm đạo đức, để đạt quân bình nội tâm, làm cho cuộc sống giữa ta và người có ý nghĩa. Triết học giúp thao luyện tâm trí, cũng giống như thao luyện thân xác. Triết học đem lại sự tự tin và lòng tin vào sức mạnh trí tuệ, phẩm giá con người. Văn chương cũng như triết học. Có thể văn phong là sự thử nghiệm, cầu nối giữa duy lý và cảm xúc. Vì thế trong những trang viết của tôi, triết học và văn chương xen lẫn. Không có sự ngăn cách về ngôn ngữ và tư tưởng hòa nhập. Mỗi sự vật, sự việc được viết ra đều có độ lùi của người viết. Đó là một cố tật. Văn của tôi phải nhìn, phải nghe... Không phải nhìn sự vật mà nhìn tâm thức, nghe mùi hương. Có lẽ cùng vì vậy mà văn chương của tôi không dễ đọc, không phải ai cũng yêu, nhưng khi đã yêu thì yêu thật tình.
Huế bây giờ với Huế trong mắt của tác giả Thái Kim Lan có khác nhau nhiều không?
- Huế xưa êm đềm hơn nhiều. Khung cảnh Huế giờ cũng khác xưa và dân cư cũng ít hơn. Vì thế Huế xưa, Huế của thời tuổi trẻ là Huế của tôi. Còn nay, Huế không còn là của tôi nữa vì Huế đông quá, nhà cửa, kiến trúc khác nhiều quá. Chỉ dòng sông Hương và núi Kim Phụng vẫn còn đó làm cho tôi nhớ Huế. Giờ đây, khi có nhiều thời gian hơn, tôi thường xuyên trở về Huế để tu sửa căn nhà vườn của gia đình. Việc tu bổ, tôn tạo lại căn nhà vườn Huế không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ kiến trúc, khung cảnh mà còn là lưu giữ tâm hồn Huế ở trong đó để giới thiệu, truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Việc này không đơn giản nhưng với tôi đó là cách để được sống 2 lần.
Dân gian có câu “Xa thương gần thường”, điều đó có đúng với Huế trong cảm nhận của nhà văn?
- Khi xa cách thì có 2 trạng thái có thể xảy ra: Một là quên hẳn. Hai là nhớ hoài, nhớ không thể quên được. Cả gia đình ở bên trời Tây, chỉ mình tôi khăn gói trở về Huế. Mọi người đều thắc mắc là tại sao lại vất vả và tự làm khó mình như vậy, nhưng phải ai ở trong hoàn cảnh đó, trong không gian đó mới hiểu. Nhớ cái gió, cái nắng, nhớ cơn mưa…, nhiều khi về đến Huế, ngồi trong căn nhà của mình, tôi lại tự hỏi: Tại sao mình trở về đây, tại sao vượt khoảng cách xa xôi như vậy để về? Nhưng chỉ có lá, hoa và mưa của xứ Huế mới trả lời được (cười).
Khi mẹ tôi sang Đức cùng tôi, tôi từng nghĩ mình sẽ bớt nhớ nhà, rằng mình sẽ yên tâm sống nơi này, sẽ không khắc khoải, không nhớ Huế nữa. Song không phải như vậy, tôi vẫn kiếm cớ để đi về. Có lẽ đó là điều mà bất cứ người nào xa quê đều có chung suy nghĩ.
Và những cảm xúc ấy đã được thể hiện qua các trang viết?
- Đúng vậy! Cuốn tản văn này tôi viết trong một khoảng thời gian dài, quãng hơn 20 năm. Chỉ khi nào xúc cảm tôi mới viết. Có những lúc viết cả trên máy bay. Chủ thể tự sự rất nhỏ bé. Thế giới và sự vật là chủ thể. Tôi chỉ là người núp trong bóng tối để nghe sự vật lên tiếng.
Viết với tôi luôn là sự giải thoát. Cuộc đời của tôi luôn là cuộc đối thoại không có tiếng nói. Đối thoại giữa tư tưởng, suy nghĩ với thế giới xung quanh, tìm giải đáp để tiếp tục sáng tạo, để sống. Tôi luôn tin rằng, cuộc sống bản thân đó là sáng tạo. Chính trong nhịp sống sáng tạo đó, ta đem đến cho văn chương, cho người khác cảm xúc mà không bị từ chối.
Qua những trang viết, tôi mong rằng có thể khơi gợi nhiều cảm xúc cho các bạn trẻ, giúp họ thử nghiệm công việc viết lách. Viết về những điều mà chúng ta gặp phải, về những điều con tim rung cảm. Tôi luôn quan niệm rằng, vui rồi sẽ buồn, mưa rồi lại tạnh. Tôi luôn hy vọng và lạc quan, mọi vướng mắc trong cuộc sống đều có thể vượt qua nhờ sự sáng tạo của chính bản thân.
Là người học hỏi và tiếp thu văn hóa phương Tây, theo bà liệu có phải sự tiếp nhận văn hóa Đông - Tây thiếu căn bản đã dẫn đến cách hành xử “lệch lạc” của một bộ phận giới trẻ hiện nay?
- Việc tiếp cận văn hóa khác mà không có nền tảng căn bản sẽ dễ bị ảnh hưởng, bị đồng hóa, thậm chí bị sa ngã. Hiểu được truyền thống và bản sắc thì mới có thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa mới một cách độc đáo, bền vững.
Là người tiếp nhận cả hai nền văn hóa, tôi càng ý thức hơn về việc giúp đỡ các bạn trẻ hôm nay qua các dự án, các buổi giao lưu..., để các bạn có cách tiếp cận tốt hơn, có sự giao thoa, đối thoại văn hóa Đông - Tây; biết chọn lọc, tiếp thu để có được đường nét, dấu ấn của riêng mình.