GS-TS Hoàng Chí Bảo: Định hướng giá trị, phân biệt thật - giả
SGGP
“Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng diễn ra trên đất nước ta trong bối cảnh rất phức tạp, các thế lực thù địch thường xuyên tấn công vào nền tảng tư tưởng, có những luận điệu xuyên tạc, giả dối, những thủ đoạn thâm độc và tinh vi. Chúng lại nhằm vào đối tượng rất nhạy cảm, đó là người trẻ”. Mở đầu cuộc trao đổi với PV Báo SGGP, GS-TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã đi thẳng vào vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
GS-TS Hoàng Chí Bảo
Tuổi trẻ và sứ mệnh với Tổ quốc, với nhân dân
Phóng Viên: Thế hệ trẻ hiện nay có vai trò thế nào trong việc đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thưa ông?
GS-TS HOÀNG CHÍ BẢO: Tuổi trẻ Việt Nam lớn lên trong thời đại đổi mới và hội nhập, có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, biểu hiện trên nhiều mặt. Thứ nhất, giữ vững lý tưởng và mục tiêu kiên định con đường độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Thứ hai là kiên quyết bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Thứ ba là bảo vệ sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng trong bất kỳ tình huống nào để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Một điểm nữa là, năm nay có một sự kiện chính trị rất quan trọng của tuổi trẻ, đó là Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII. Vì vậy, tuổi trẻ Việt Nam cần phải ra sức phát huy lòng yêu nước, ý thức tự hào dân tộc, niềm tin vững chắc vào lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Đấy chính là thể hiện vai trò của thế hệ trẻ, từ đó mà đóng góp vào sự củng cố, thống nhất, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội.
Theo ông, những ưu, khuyết điểm trong nhận thức của tuổi trẻ để bảo vệ nền tảng văn hóa, tư tưởng của Đảng, đặc biệt là trên không gian mạng hiện nay là gì?
Thanh niên ngày nay được tiếp thu nhanh nhạy nhiều thông tin trong điều kiện đã cởi mở, đa chiều từ trong và ngoài nước, đã tạo ra khả năng tư duy năng động, sáng tạo, nhạy bén. Tuổi trẻ lại được đào tạo rất cơ bản về học vấn, kỹ thuật, văn hóa, nhất là hiện nay các em lại rất sáng tạo, linh hoạt trong việc thích ứng với sự bùng nổ thông tin của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thông tin trên không gian mạng. Điều đó giúp tuổi trẻ tiếp cận ngày càng nhiều, càng nhanh những diễn biến của thời cuộc trong nước và quốc tế. Nó tạo ra một sự nhạy cảm trong tiếp thu, trong đấu tranh tư tưởng và trong việc xác định niềm tin, lý tưởng và định hướng các giá trị cuộc sống của mình, trên tinh thần xây dựng một xã hội văn minh. Những thành tựu của đổi mới đã đem lại cho tuổi trẻ và nhân dân nói chung niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sức mạnh sáng tạo của nhân dân.
Tuy nhiên, tuổi trẻ là thế hệ đang lớn lên, đang trưởng thành, chưa có điều kiện trải nghiệm nhiều nên cũng có nhược điểm về nhận thức, rất dễ nhầm lẫn giữa hiện tượng với bản chất nếu không có chỉ dẫn của các nhà giáo dục, của các tổ chức, cơ quan giáo dục. Nhược điểm thứ hai là trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thông tin bùng nổ, rất dễ dẫn đến khuynh hướng chủ nghĩa kỹ trị và xem nhẹ những giá trị văn hóa và tinh thần. Tiếp nữa là do kinh nghiệm chưa nhiều, nên trước những hiện tượng tiêu cực, sai trái, một bộ phận thanh niên dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng.
Xây dựng môi trường tốt đẹp cho thanh niên
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng, giải pháp nào để trang bị, định hướng cho tuổi trẻ, thưa ông?
Phải hết sức chú trọng giáo dục về lòng yêu nước. Đây là giá trị văn hóa rất cao cả và thiêng liêng, vì dân tộc ta là dân tộc có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Giáo dục lòng yêu nước tức là nền tảng của giáo dục đạo đức, giáo dục chính trị, giáo dục niềm tự hào dân tộc và ý chí bất khuất chiến đấu chống mọi kẻ thù trong bất cứ tình huống nào. Phải coi trọng các môn học xã hội nhân văn, đặc biệt môn lịch sử và phải khẳng định đây là môn học bắt buộc trong các bậc học phổ thông.
Theo tôi, phải chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ khả năng định hướng giá trị, bởi hiện nay trong điều kiện bùng nổ thông tin dữ dội, cái thật và cái giả, cái đúng và cái sai, cái xấu, cái tốt đan xen nhau phức tạp. Nếu không có đủ kinh nghiệm và bản lĩnh thì rất dễ lầm lẫn giữa hiện tượng với bản chất. Phải hết sức coi trọng đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới cả về hình thức giáo dục và nội dung giáo dục, sao cho vừa hiện đại, tiếp cận được cái mới và việc giáo dục này có khả năng thuyết phục được lớp trẻ bằng các phương tiện rất truyền cảm của văn học, nghệ thuật, của giá trị tinh thần từ lối sống văn hóa. Ở đây chúng ta phải chú trọng giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ.
Thế nhưng, sự tác động từ môi trường bên ngoài, dễ làm cho thanh niên chệch hướng, sai đường?
Để chống lại sự tác động tiêu cực từ môi trường, một giải pháp rất quan trọng, đó là vấn đề nêu gương của người lớn. Tuổi trẻ thường nhìn người lớn, nhất là những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong xã hội mà người trẻ gọi là thần tượng. Phải có những tấm gương tích cực, lành mạnh, hết lòng hy sinh vì dân vì nước, biểu hiện qua các điển hình tiên tiến, qua thực tiễn học tập, làm theo Bác suốt những năm qua, nhất là trong đó có các tấm gương tuổi trẻ.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bắt đầu từ trong gia đình, đến nhà trường, toàn thể xã hội, tạo ra một dư luận xã hội tích cực, ủng hộ, cổ vũ cái đúng, cái tốt và cái đẹp; đồng thời cùng nỗ lực phê phán cái sai, cái xấu, lên án một cách kiên quyết và xử lý nghiêm bằng pháp luật để loại bỏ những thông tin xuyên tạc, làm cho thế hệ trẻ vững tin vào Đảng, vững tin vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Khi đứng trước thông tin xấu độc trên không gian mạng, ông có lời khuyên nào với người trẻ?
Tôi chỉ muốn lưu ý các bạn trẻ một điều, bản thân tuổi trẻ phải rèn luyện cho mình một kỹ năng biết chọn lọc thông tin và biết chấp nhận để theo đuổi những thông tin tích cực, lành mạnh, trong sáng và biết chối từ, đẩy ra, phê phán những thông tin xấu đang hàng ngày, hàng giờ làm nhiễm độc môi trường sống của tuổi trẻ. Ở đây cần có sự kết hợp giữa nỗ lực của bản thân với sự hỗ trợ hiệu quả của các nhà giáo dục, kể cả dư luận xã hội, để giúp họ vừa khẳng định được cái đúng, vừa có vững tin cho việc đấu tranh để loại bỏ cái sai trái.