Chặng đường phát triển của Bệnh viện Chợ Rẫy ghi ơn công sức của nhiều thế hệ đi trước, trong đó có GS-TS-BS Nguyễn Huy Dung. Ông là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng đối với sự lớn mạnh của hệ nội khoa, về chuyên môn và y đức. Năm 1988, từ ngày đầu tiên khi tôi nhận công tác tại Khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy, GS-TS-BS Nguyễn Huy Dung, lúc đó là Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách hệ nội, đã dìu dắt, giúp đỡ tôi rất nhiều. Mấy chục năm đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ rõ mỗi buổi sáng giao ban do GS Nguyễn Huy Dung chủ trì. Chúng tôi lắng nghe và học được rất nhiều từ những ý kiến đóng góp quý báu của thầy về chuyên môn, đạo đức, tính nhân văn.
Sau này, tôi được biết thầy sinh ra trong một gia đình cách mạng, là em ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). GS-TS-BS Nguyễn Huy Dung là một trong những tiến sĩ y khoa đầu tiên của Việt Nam, được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh những tháng năm cuối đời. Ông từng đảm nhận các chức vụ: Ủy viên Hội đồng Sức khỏe Nhà nước; Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy; giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Với cá nhân tôi, nhớ về GS Nguyễn Huy Dung là nhớ đến một người thầy lớn, cả trong công việc, chuyên môn đến cư xử với đồng nghiệp, người bệnh. Thầy độ lượng, tận tình nhưng khi có vấn đề chuyên môn cần thiết hoặc với ai làm việc trái đạo đức, thầy cũng sẽ nghiêm khắc. Sau khi nghỉ hưu, thầy tập trung cho công tác giảng dạy và đào tạo. Có thể nói, GS Nguyễn Huy Dung là một người toàn tài, thầy còn say mê làm thơ và thơ rất hay. Tôi được thầy tặng 2 quyển trong số những tập thơ đã xuất bản. Trong những buổi gặp mặt cuối năm, hoặc sự kiện Bệnh viện Chợ Rẫy mời, thầy luôn hiện diện và có chỉ dạy với đàn em, đàn cháu.
GS-TS-BS Nguyễn Huy Dung là một tấm gương sáng về lao động và sáng tạo. Ông nghiên cứu chuyên sâu về nội khoa và tim mạch học với 2 công trình lớn là Nghiên cứu đột quỵ do xuất huyết não ở Việt Nam (1963-1967) và Bệnh sốt thấp cấp ở Việt Nam (1964-1970). Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu thêm các vấn đề bệnh nhân tăng huyết áp, giúp các bác sĩ rất nhiều trong điều trị bệnh lý này trong thời điểm y học chưa tìm ra giải pháp. Ông đã xuất bản hơn 50 đầu sách khoa học, y học.
GS Nguyễn Huy Dung hiếm khi tự nói về mình, nhưng chúng tôi luôn ngưỡng vọng thầy - một con người say mê với nghề y và công tác giảng dạy, đào tạo các thế hệ bác sĩ giỏi về chuyên môn và biết thương yêu người bệnh. GS-TS-BS Nguyễn Huy Dung ra đi là một mất mát của ngành y tế nước nhà nói chung và của Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng! Trân trọng cúi đầu tiễn biệt trước sự ra đi mãi mãi của Thầy với lòng thương tiếc khôn nguôi!
TIN BUỒN
Quận ủy - UBND - UBMTTQ quận 1, TPHCM; Đảng ủy - UBND - UBMTTQ phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN HUY DUNG
Sinh năm 1931 tại phố Quang Trung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Nguyên Giảng viên cao cấp Khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, đã nghỉ hưu. Huân chương Độc lập hạng nhì; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. Từ trần lúc 16 giờ 30 ngày 10-5-2024. Linh cữu quàn tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM). Lễ viếng lúc 16 giờ ngày 13-5-2024. Lễ truy điệu lúc 8 giờ 20 ngày 15-5-2024. Hỏa táng tại Hoa viên Nghĩa trang Sala Garden, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.