Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành để lấy ý kiến xã hội. Theo đó, việc sửa luật có nhiều thay đổi đáng chú ý như miễn học phí tới cấp THCS; lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương; nâng chuẩn giáo viên..…
Đây là dự thảo lần 2, được lấy ý kiến đến ngày 16-1-2018. Theo kế hoạch, tháng 5-2018, dự thảo sẽ được trình Quốc hội và thông qua vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, hiện đang có những ý kiến trái chiều về những đề xuất của Bộ GD-ĐT.
Đề xuất lương giáo viên cao nhất khối hành chính sự nghiệp
Luật Giáo dục năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2016. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2010.
Sau 11 năm thực hiện, Bộ GD-ĐT cho rằng có nhiều vấn đề phải sửa đổi.
Theo đó, lần này Bộ GD-ĐT trình sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến chính sách đối với nhà giáo (lương, chuẩn trình độ đào tạo) và học phí. Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là những vấn đề cơ bản, là những điều kiện đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ GD-ĐT cho biết, vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy dù đang xin ý kiến Chính phủ nhưng Bộ GD-ĐT cho rằng, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật Giáo dục (lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp).
Dự thảo cũng nêu, Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Nhà nước có chính sách bồi dưỡng nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ và chuẩn hóa nhà giáo. Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo.
Dự thảo cũng nêu miễn học phí đến trung học cơ sở (THCS) cho học sinh công lập (hiện mới miễn học phí cho học sinh tiểu học công lập) để thực hiện phổ cập giáo dục.
Cùng với đó, vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, THCS…phải có trình độ từ đại học trở lên...). Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.
Lương tâm nhà giáo không cho phép?
Tuy nhiên, khi nội dung này được đưa ra, nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng phản biện với những nghi ngại ban đầu.
Đa phần ý kiến ủng hộ phải cấp bách tăng lương cho giáo viên, nhưng tăng lương giáo viên ở mức cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp thì có khả thi không, khi mà ngân sách nhà nước luôn gặp khó khăn còn tình hình nợ công thì vẫn gia tăng với nhiều lo lắng như hiện tại?
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, liệu có thực hiện được điều đó hay không khi mà tới đây số lượng giáo viên còn tăng thêm nhiều “một cách không tưởng” khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới do phải thực hiện dạy ngoại ngữ từ lớp 3 cũng như dạy tin học từ cấp 1.
Tức là sẽ có thêm hàng chục vạn giáo viên (theo tính toán, chương trình giáo dục phổ thông mới trong cả giai đoạn cần bổ sung thêm khoảng 2.700 giáo viên âm nhạc và 2.700 giáo viên mỹ thuật đối với cấp THPT; 3.828 giáo viên tiếng Anh để dạy chương trình mới từ lớp 3, lớp 4, lớp 5..) tăng thêm.
“Chúng ta định xếp lương cho giáo viên cao nhất liệu có bảo đảm nguồn lực không? Cả nước khoảng gần 1 triệu giáo viên, rồi tới đây tăng thêm cả vạn giáo viên cho các môn mới nữa, chúng ta có đủ tiền để làm không”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên nhưng tăng bao nhiêu, lộ trình thế nào phải tính toán kỹ, tránh tình trạng nói ra rồi không làm được thì “sẽ mang tiếng với xã hội”, bởi nguồn lực của nhà nước là rất hạn hẹp.
Tương tự, đề xuất miễn học phí cho học sinh công lập khối THCS cũng vậy, rất khó thực hiện nếu chúng ta không bảo đảm nguồn. “Phải tính toán thật kỹ số lượng giáo viên tăng thêm trong thời gian tới cũng việc miễn học phí cho số đông học sinh công lập đến hết THCS sẽ tác động thế nào đến ngân sách quốc gia. Chúng ta đều muốn nhưng phải liệu cơm gắp mắm”, GS Nguyễn Lân Dũng cho hay.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về các vấn đề xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chia sẻ, vốn là nhà giáo, ông ủng hộ chủ trương tăng lương lên mức cao nhất cho giáo viên, nhưng có thực hiện được không thì đó mới là vấn đề.
“Chúng ta đang lo lắng nợ công quá cao, ngân sách thì khó khăn, nay vẽ ra viễn cảnh đẹp đẽ thế thì ai cũng vỗ tay hoan hô cả, nhưng liệu có thực hiện được không? Tiền đâu mà làm thì phải tính hết sức cụ thể, đừng thực hiện một cách duy ý chí”, ông Nguyễn Túc nói.
Đáng chú ý, ngoài nỗi lo nhà nước không đủ nguồn lực để tăng lương cho hàng triệu giáo viên ở mức cao nhất khối hành chính sự nghiệp, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn khoa học-giáo dục-môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam còn đặt vấn đề: nếu nói chung chung là lương giáo viên cao nhất thì có hợp lý không trong xã hội?
“Xã hội có 2 nghề thầy: thầy thuốc và thầy giáo. Tôi ở trong ngành giáo dục thật nhưng tôi thấy hiện nay thầy thuốc còn vất vả và có những nguy cơ phức tạp hơn nghề thầy giáo, như nguy cơ lây nhiễm, bạo lực trong bệnh viện. Y bác sĩ cũng làm việc rất căng thẳng không như nhà giáo làm việc có lịch. Vậy thì chúng ta giải quyết vấn đề này thế nào”, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu chia sẻ.
Bà cũng chia sẻ thật lòng, là người trong ngành giáo dục, bà không biết đề xuất này của Bộ GD-ĐT xã hội sẽ nghĩ thế nào? “Chúng ta phải vì một công lý chung của toàn xã hội. Tôi cho rằng, cần có sự cân đối chung”, GS Phạm Thị Trân Châu nói.
Theo bà, trong chừng mực nào đó chỉ nên có trần mức lương thấp nhất đối với nghề giáo viên và nghề thầy thuốc. “Nên thực hiện cải thiện mức lương tối thiểu của 2 nghề thầy trong xã hôi, để bảo đảm lương nhà giáo, lương thầy thuốc không bị quá thấp. Như vậy sẽ hợp lý hơn. Còn đưa ra đề xuất lương giáo viên cao nhất thì tôi cho rằng, lương tâm nhà giáo chúng ta chưa cho phép”, bà thẳng thắn.