GS Hoàng Tụy là người thứ hai làm Chủ nhiệm Khoa Toán - Cơ - Tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (có người nói là chủ nhiệm khoa đầu tiên). GS Hoàng Tụy được tôn vinh ở trong nước và ngoài nước, ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu (năm 1996) về khoa học công nghệ, cùng với GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Văn Hiệu...; Giải thưởng Phan Chu Trinh (năm 2010) và là người đầu tiên trên thế giới được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao giải thưởng cao quý mang tên nhà toán học xuất sắc người Hy Lạp Constantin Caratheodory (1873-1950) do những đóng góp tiên phong và nền tảng của ông trong lĩnh vực này.
I. Là tác giả của hơn 170 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí toán học nổi tiếng trên thế giới, GS Hoàng Tụy được thừa nhận là “cha đẻ” của Lý thuyết Tối ưu toàn cục (Global Optimization), trong đó có khái niệm quan trọng “Tuy’s Cut” (Lát cắt Tụy) mang tên ông.
Theo chia sẻ của GS Trần Văn Nhung, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư nhà nước, khi GS Hoàng Tụy đã trở thành nhà toán học Việt Nam nổi tiếng trên thế giới thì ngày càng có nhiều bài viết về ông ở trong nước và nước ngoài.
Sau hơn 50 năm được biết GS Hoàng Tụy, với tư cách là một học trò từ thời phổ thông chuyên toán, GS Trần Văn Nhung ngưỡng mộ GS Hoàng Tụy là một nhà toán học xuất sắc, nổi tiếng thế giới, một nhà sư phạm mẫu mực, người có nhiều ý tưởng ở tầm chiến lược trên quan điểm hệ thống về sáng tạo toán học, về chấn hưng khoa giáo và trên cả là xây dựng và phát triển đất nước.
GS Trần Văn Nhung cho biết, ông không thể nào quên về GS Hoàng Tụy - người thầy mẫu mực của mình từ những năm học phổ thông chuyên toán A0 (1965-1967) trên khu sơ tán Thái Nguyên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (A0 là tên viết tắt bí mật của lớp chuyên toán khóa I trong những năm chiến tranh chống Mỹ, khi đi sơ tán). Năm 1965, thầy Hoàng Tụy đã dạy lớp 9 chuyên toán A0 khóa I, những khái niệm đầu tiên về logic toán, toán học hữu hạn và lý thuyết đồ thị. Mặc dù được thầy dạy không nhiều, vì với cương vị chủ nhiệm khoa thầy Tụy rất bận, nhưng những bài giảng của thầy còn rất sâu đậm trong GS Trần Văn Nhung cho đến tận ngày nay, sau gần nửa thế kỷ.
“Trong phòng học sơ sài thời sơ tán, cái bảng đen rất nhỏ, nhưng vẫn đủ để cả buổi học thầy viết trên đó mà không cần xóa bảng. Thầy Tụy có nghệ thuật sử dụng và trình bày trên bảng một cách tối ưu. Đôi mắt sáng của thầy luôn hướng về phía học trò khi nêu vấn đề, khi đặt câu hỏi, khi gợi ý và khi khuyến khích, động viên chúng tôi. Thầy chú ý dạy học trò hiểu được xuất xứ, bản chất và các mối liên quan của vấn đề. Cách dạy của thầy độc đáo và cuốn hút, không sa vào các công thức và kỹ thuật, để tránh cho học trò “thấy cây mà không thấy rừng”, GS Trần Văn Nhung nhớ lại.
Nhiều vị giáo sư thế hệ sau đều công nhận GS Hoàng Tụy là một trong những nhà toán học và nhà sư phạm xuất sắc, thể hiện qua nghiên cứu khoa học, giảng dạy, diễn thuyết, viết sách và trong các đề xuất, chủ trương cải cách và phát triển nền toán học, khoa học và giáo dục nước nhà.
Năm 1984, khi GS Trần Văn Nhung đang học tập và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Bremen (Đức) thì GS Hoàng Tụy được GS D.Hinrichsen mời đến làm việc và báo cáo trong seminar về kết quả nghiên cứu bài toán tối ưu của ông. GS Trần Văn Nhung đã được chứng kiến các bạn quốc tế tham dự hôm đó rất thán phục nội dung toán học và tính sư phạm cao trong bài giảng của GS Hoàng Tụy.
II. Theo GS Trần Văn Nhung, ý tưởng đầu tiên về việc mở lớp chuyên toán A0 ở Việt Nam thuộc về GS Hoàng Tụy, nguyên Chủ nhiệm Khoa Toán, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội, có tham khảo cách làm của các nhà toán học Xô Viết vĩ đại và cả kinh nghiệm của Hungary, một nước nhỏ nhưng rất mạnh về toán, khi lập ra lớp toán năng khiếu đầu tiên.
Đề xuất của GS Hoàng Tụy được sự ủng hộ mạnh mẽ của GS Lê Văn Thiêm, Phó Hiệu trưởng - người anh cả của nền toán học Việt Nam hiện đại; của GS Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng; của GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục lúc đó và của Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người luôn quan tâm đến giáo dục, nói riêng là việc đào tạo học sinh giỏi. Lúc đầu, lớp được gọi là “Lớp toán đặc biệt”, sau được đổi thành tên khiêm tốn hơn là “Lớp toán dự bị” rồi “Lớp chuyên toán”.
Nhiều người cũng cho rằng chính GS Hoàng Tụy cũng là một trong số những nhà toán học đầu tiên của ta đã tham khảo kinh nghiệm và nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, Đức và một số nước XHCN anh em để phân tích, cân nhắc, đề xuất và cuối cùng năm 1974 Việt Nam đã cử đoàn gồm 5 học sinh giỏi đầu tiên đi dự thi Olympic Toán quốc tế (IMO 1974) tại Đức. Ngay lần đầu tiên “đem chuông đi đánh xứ người”, Hoàng Lê Minh đã giành Huy chương vàng, Vũ Đình Hòa giành Huy chương bạc, Đặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng giành Huy chương đồng.
GS Hoàng Tụy và GS Phan Đình Diệu là hai trong số các nhà toán học Việt Nam đầu tiên nhận thấy tầm quan trọng của Lý thuyết Hệ thống và muốn ứng dụng lý thuyết đó vào khoa học, giáo dục, quản lý, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Khi nghiên cứu và bàn bạc về bất cứ lĩnh vực nào, nhất là giáo dục, GS Hoàng Tụy cũng luôn khuyến cáo phải xem trọng tính hệ thống của nó. Lĩnh vực mà cả đời ông quan tâm, nghiên cứu là Lý thuyết Tối ưu toàn cục cũng mang tính hệ thống sâu sắc. Năm 1983, GS Hoàng Tụy đã cùng GS Nguyễn Khoa Sơn xây dựng và điều hành Trung tâm Phân tích hệ thống tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Việc trăn trở để có được một chiến lược và kế hoạch phát triển Toán học Việt Nam đã được bắt đầu khá sớm. Từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, GS Hoàng Tụy đã cùng các nhà toán học tiền bối khác như GS Tạ Quang Bửu, GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Cảnh Toàn, GS Phan Đình Diệu... xây dựng chiến lược phát triển Toán học Việt Nam cho giai đoạn 1970-1990. Nhờ đó, chỉ trong vòng 10-20 năm, Toán học Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể và một số lĩnh vực đã vươn lên và có uy tín cao trên thế giới. Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã được Chính phủ phê duyệt.