Ca Văn Thỉnh sinh ngày 21-3-1902 tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Năm 1925, Ca Văn Thỉnh ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Tại đây, ông cùng với Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt tích cực tham gia các phong trào thanh niên yêu nước. Từ năm 1928-1945, Ca Văn Thỉnh vừa dạy học vừa tham gia các hoạt động yêu nước tại Bến Tre. Đến ngày 25-8-1945, cuộc khởi nghĩa ở Bến Tre thành công, ông trở thành Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Bến Tre.
Đến ngày 20-3-1946, ông cùng với bà Nguyễn Thị Định, ông Trần Hữu Nghiệp được Phái đoàn khu 8 cử ra Hà Nội báo cáo tình hình và xin chi viện cho Nam bộ. Trong năm 1946, ông được Chính phủ giao phó Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi sau đó đảm nhiệm chức Giám đốc Phòng Nam bộ. Với những đóng góp của mình, ông được phong hàm GS.
Cuối năm 1946, ông được cử về Nam bộ tham gia kháng chiến. Từ năm 1951-1954, ông kiêm thêm chức Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam bộ. Từ năm 1954, sau khi tập kết ra Bắc, ông phụ trách Vụ Đông Nam Á thuộc Bộ Ngoại giao, rồi đi Indonesia làm Tổng Lãnh sự. Ông thuộc thế hệ ngoại giao đầu tiên của chính quyền cách mạng. Từ năm 1957 đến năm 1975, ông đảm nhiệm nhiều vị trí tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, làm Giám đốc Thư viện Khoa học Trung ương, đại diện Chính phủ ta tại Campuchia… Từ sau ngày 30-4-1975, ông là Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam tại TPHCM.
Song song với sự nghiệp cách mạng ấy, GS Ca Văn Thỉnh không ngừng nghiên cứu những di sản văn hóa, lịch sử Nam bộ. Ngay từ những năm 40 của thế kỷ XX, GS Ca Văn Thỉnh đã có nhiều bài nghiên cứu đăng trên Đại Việt tạp chí, Tri Tân tạp chí… Không dừng lại ở các nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Nam bộ, GS Ca Văn Thỉnh tiếp tục góp phần làm rõ tinh thần yêu nước của trí thức Nam bộ ở khía cạnh thi ca. Từ đó ông phổ biến, giới thiệu về các nhà văn, trí thức Nam bộ như Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Trị, Mạc Thiên Tích, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Cư Trinh, Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Nguyễn Thông, Huỳnh Mẫn Đạt, Trần Thiệu Chánh, Nguyễn Đình Chiểu... Qua các bài viết này, chúng ta thấy GS Ca Văn Thỉnh không chỉ dựng lại cuộc đời của các nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển văn hóa và nhân cách con người Nam bộ mà ông còn hàm ý kêu gọi con dân Nam bộ hãy tiếp tục phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp vốn có.
Từ nỗi đau đáu về việc bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của Nam bộ, ông đã cùng Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải nhiều tác phẩm. Bên cạnh việc sưu soạn những tác phẩm văn học viết, GS Ca Văn Thỉnh còn sưu tầm văn học dân gian trên 100 bài. Có tục ngữ, ca dao, có lý, vè, có truyện và hịch. Trong những văn bản văn học dân gian mà ông đã sưu tầm được, có những văn bản cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị và ít người biết đến. Có những văn bản là tư liệu quý làm dẫn chứng cho nhiều công trình nghiên cứu.
Từ những đóng góp khoa học trên mà GS Ca Văn Thỉnh được giới trí thức Nam bộ gọi là nhà Nam bộ học. Nhà nghiên cứu Mạc Đường nhận định: “Ông (Ca Văn Thỉnh) là một trong những chuyên gia lớn đầu tiên về nghiên cứu Nam bộ đã muốn vận dụng “chủ nghĩa Mác và nhân phẩm”, vận dụng những ý kiến của đồng chí Lê Duẩn năm 1949 vào việc giáo dục học sinh và quần chúng để nghiên cứu con người Nam bộ”. PGS-TS Đoàn Lê Giang nhận xét: “Ca Văn Thỉnh là trí thức yêu nước, một nhà hoạt động cách mạng, một học giả tiên phong trong nghiên cứu văn học, văn hóa Nam bộ. Qua các công trình của ông người ta mới biết đến truyền thống văn hóa, văn học phong phú của người Nam bộ. Truyền thống ấy kết tinh thành tinh thần vì nghĩa, lòng yêu nước và ý chí quật khởi của nhân dân Nam bộ”.