Phần lớn ý kiến cho rằng, đây là hình ảnh của những người trẻ “manh động”, thích chơi trội, làm việc khác người, bôi bẩn cả đoàn tàu đang thi công và hơn cả là sự xem thường pháp luật.
Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng, đó là sự ngẫu hứng, là nghệ thuật và nghệ thuật thì không có luật lệ nào cả. Thậm chí, có ý kiến của những “nhà sáng tạo trẻ” trên mạng cho rằng, cần phải mở rộng tư duy cấm đoán, cho người trẻ thỏa sức sáng tạo như ở những nước Âu Mỹ.
Graffiti là tên gọi chỉ chung về những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu trầy xước, nguệch ngoạc trên các bức tường ở các đường phố, khu phố và được vẽ bằng sơn hoặc đánh dấu bằng bất cứ vật liệu gì, hay chỉ là vẽ bằng sơn xịt lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng. Đây là một loại hình nghệ thuật công cộng hay nghệ thuật đường phố có thể hình thành bằng các hình thức đơn giản trên các bức tranh tường.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, Graffiti xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội. Ở nhiều địa bàn dân cư, Graffiti còn được đưa hẳn vào các cuộc thi, vẽ trên tường, trên cột điện… tùy theo tính chất.
Còn ngoài đường phố, “Graffiti nửa mùa” cũng đang xuất hiện đầy rẫy. Với sức sáng tạo không giới hạn của nhiều người trẻ rảnh rỗi, bất kể từ tường nhà, cửa kéo, rào chắn công trình đều được sơn phết kỳ dị, mỗi khi họ cao hứng. Không hiếm những sự việc cười ra nước mắt khi chủ nhà trước khi đi ngủ, khóa cửa cuốn bằng điện.
Sáng hôm sau, tá hỏa khi nhận được điện thoại của hàng xóm báo cửa nhà được sơn phết tưng bừng. Hay ngay tại rào chắn các công trình, cũng là nơi để giới nghệ thuật tay ngang đường phố vẽ vời mỗi khi đêm đến.
Chưa rõ, những bức “Graffiti nửa mùa” nghệ thuật đến đâu, mà chỉ thấy rõ là gây phản cảm cho người đi đường và sự bức xúc của chủ nhà vô tình được chọn.
Còn với sự việc ở trên, việc vẽ Graffiti trên phương tiện công cộng khi chưa được cho phép, gây ảnh hưởng, thiệt hại về vật chất, rõ ràng là một hành vi thiếu hiểu biết của những người tự cho là yêu thích nghệ thuật đường phố.
Trên thế giới, vẽ Graffiti lên các phương tiện công cộng vẫn là hành động bị lên án, thậm chí bị xử phạt vì vi phạm pháp luật sở tại. Tại Mỹ và Anh, việc vẽ Graffiti gây tổn thất có thể bị phạt từ hàng trăm đến hàng ngàn USD, kèm với án phạt tù.
Tại Singapore, ngoài phạt tù và phạt tiền còn có thể bị đánh roi. Chi phí để xóa những bức Graffiti ngẫu hứng nơi công cộng là rất lớn, không chỉ phải tốn tiền của tẩy xóa, những hãng vận tải còn phải hủy hoặc hoãn các chuyến xe, chuyến tàu để “dọn dẹp” những tác phẩm Graffiti này.
Nếu Graffiti được sử dụng đúng chỗ, đúng lúc và đem đến cái đẹp thật sự cho những khu dân cư tồi tàn, hay là một dự án có tính chất nhân văn thì cần được phát huy.
Nhưng đó phải là những bức tranh Graffiti nghệ thuật thật sự, chứ không phải là những bông hoa hay con tàu, con thuyền vẽ trên cột điện, trên bức tường nơi đô thị hiện đại.
Đằng này, việc phá vỡ kiến trúc công cộng, bôi bẩn khu dân cư, “phá rào” vào nơi thi công và hơn hết là sự “lờn mặt” của một bộ phận người trẻ thích cái lạ, thích phá vỡ khuôn khổ bằng những hành động vô bổ, rất cần được lên án và xử phạt thích đáng.