TAND TPHCM đã nhiều lần mở phiên tòa xét xử nhưng hoãn xử theo đề nghị của các bên để củng cố hồ sơ, chứng cứ liên quan.
Theo đơn khởi kiện, Vinasun cáo buộc Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử; vi phạm nghĩa vụ thuế đối với nhà nước… Vinasun yêu cầu Grab bồi thường 41,2 tỷ đồng vì cho rằng những vi phạm của Grab khiến Vinasun giảm doanh số, làm cho 8.000 lao động mất việc làm. Về phần mình, Grab khẳng định kinh doanh đúng pháp luật, đúng các quy định về kinh doanh vận tải và nộp thuế đầy đủ.
Phiên tòa “nóng” ngay từ phần tiến hành thủ tục bắt đầu phiên tòa. Phía Grab đề nghị hoãn phiên tòa vì giám định viên vắng mặt; đồng thời đề nghị tòa án giữ bí mật kinh doanh cho Grab, với lý do “hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Grab và đối tác cần được bảo mật vì đó là bí mật kinh doanh, không được cung cấp cho bên thứ ba”. Tuy nhiên, hội đồng xét xử không chấp nhận những yêu cầu này.
Theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Tố tụng dân sự, trường hợp người giám định không có mặt tại phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám định. Khi đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại. Yêu cầu về bảo mật kinh doanh không được chấp nhận; phía Vinasun đã được lãnh đạo TAND TPHCM đồng ý cho tiếp cận, sao chụp hồ sơ của Grab vì việc làm này không vi phạm pháp luật.
Trong phần hỏi tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Đức (bảo vệ quyền lợi cho Vinasun) đã đặt nhiều câu hỏi để làm rõ việc Grab có vi phạm những quy định trong Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT ngày 7-1-2016 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là Đề án 24) hay không.
Theo đề án này, Grab là đơn vị cung cấp ứng dụng phần mềm kết nối. Đại diện Grab cho biết Grab có mối liên kết với hơn 300 đơn vị kinh doanh vận tải. Grab cùng các đơn vị có số lượng xe nhiều (hơn 1.000 xe) đề xuất giá cước, sau đó thông báo mức giá này cho các đơn vị có số lượng xe ít. “Trong Đề án 24 có quy định Grab thông báo cước phí cho đối tác là doanh nghiệp vận tải nhỏ không?” - luật sư Nguyễn Văn Đức hỏi. “Trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh có điều khoản Grab thông báo cho đối tác khi có đề xuất hay thay đổi về cước phí, họ có thể chọn chấm dứt hay tiếp tục hợp đồng hợp tác kinh doanh với Grab”, phía Grab trả lời. Đối với việc điều hành xe, đại diện Grab khẳng định không có việc Grab điều động lái xe mà chỉ đề xuất chuyến đi, lái xe có quyền chấp nhận hay từ chối chở khách. Luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng lời khẳng định trên mâu thuẫn với chính văn bản của Grab vào ngày 26-3-2018, trong đó Grab thừa nhận có điều động lái xe.
Theo Đề án 24, chỉ có doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải nằm ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh mới được phép tham gia đề án. Khi luật sư Nguyễn Văn Đức đặt câu hỏi về việc một số doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải ngoài những địa phương trên ký hợp đồng hợp tác với Grab, đại diện Grab phủ nhận việc này. Luật sư nêu cụ thể: Trong báo cáo của Grab gửi cơ quan chức năng có chi tiết Grab hợp tác với doanh nghiệp vận tải ở Phú Quốc và Bình Dương. Lúc này, đại diện Grab cho biết sẽ kiểm tra lại.
Liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của Grab, luật sư Nguyễn Văn Đức đặt vấn đề: “Theo báo cáo của Sở GTVT, vào thời điểm tháng 10-2017, số lượng xe đăng ký sử dụng phần mềm của Grab là 17.050 xe, đến tháng 3-2018 số lượng xe là 34.880 xe. Trong khi đó, theo báo cáo của Grab, từ năm 2014 đến 2016, GrabTaxi lỗ 938 tỷ đồng, năm 2017 tiếp tục lỗ hơn 700 tỷ đồng. Với một doanh nghiệp tự nhận là đơn vị kinh doanh phần mềm kết nối, đầu xe liên tục tăng nhưng trong 4 năm báo cáo thua lỗ lên đến gần 1.700 tỷ đồng liệu có hợp lý?”. Phía Grab không đồng ý trả lời câu hỏi này với lý do không liên quan nội dung vụ án.
Một trong những nội dung đáng quan tâm được nêu ra tại phiên tòa là phần bảo mật dữ liệu khách hàng của Grab. Khi khách hàng tải phần mềm Grab để đặt xe, họ phải cung cấp tên, số điện thoại di động, địa chỉ thư điện tử... Những dữ liệu cá nhân khách hàng do Grab quản lý bằng hệ thống phần mềm công nghệ thông tin nhằm mục đích hỗ trợ kết nối giữa hợp tác xã kinh doanh vận tải với lái xe và khách hàng. Luật sư Nguyễn Văn Đức đặt câu hỏi với đại diện Grab: “Trong chính sách bảo mật của Grab (được cập nhật ngày 19-7-2018) có điều khoản về việc Grab có quyền chia sẻ dữ liệu người dùng cho bất kỳ bên thứ 3 nào, có đúng không?” - “Đây là một phần trong những điều khoản khi sử dụng phần mềm của Grab” - “Việc Grab chia sẻ dữ liệu người dùng cho bên thứ 3, Bộ GTVT và các bộ, ngành chức năng của Việt Nam có biết không?” - “Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam và quy định bảo mật thông tin người dùng”. Đối với câu hỏi truy của luật sư Nguyễn Văn Đức: “Bên thứ 3 là các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam phải không?”, phía Grab từ chối trả lời vì cho rằng không liên quan đến vụ án.
Hôm nay 18-10, phiên tòa tiếp tục làm việc.